Sự tăng trưởng quá nhanh của các homestay trên nền tảng trực tuyến đang dần chiếm thị phần của phân khúc khách sạn bình dân. Công suất đặt phòng của khách sạn 3-4 sao giảm mạnh trong quý 3 vừa qua.
Theo báo cáo chuyên đề Công nghệ làm gián đoạn phân khúc khách sạn bình dân vừa được Savills Việt Nam công bố, công suất cho thuê phòng của khách sạn 3-4 sao tại TP.HCM trong quý 3 đã giảm 2 điểm % so với quý trước và 5 điểm % so với cùng ký năm 2018. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do sự phát triển mạnh mẽ của lượng đặt phòng trực tuyến tại thành phố hơn 10 triệu dân này.
Riêng khách sạn 5 sao tại TP.HCM với đối tượng khách hàng mang tính đặc thù, có thu nhập cao và nhu cầu dịch vụ đẳng cấp dường như không bị ảnh hưởng bởi sự bùng nổ của các nền tảng đặt phòng trực tuyến.
Đơn vị khảo sát đánh giá, chính lối vận hành cũ kỹ và lỗi thời đã khiến phân khúc khách sạn bình dân và trung cấp phải chịu áp lực lớn từ các đối thủ công nghệ mới, trẻ. Ngoài ra, chi phí vốn thấp, dễ tiếp cận cũng chính là điểm khiến phân khúc khách sạn này gặp phải áp lực lớn trong quá trình vận hành.
|
Phân khúc khách sạn bình dân đang phải đối mặt với áp lực từ sự bùng nổ của các đối thủ công nghệ mới. Ảnh: Vũ Lê |
Các chuyên gia cho rằng, các khách sạn bình dân có thể cải thiện năng suất hoạt động trên nền tảng đặt phòng trực tuyến vốn có mạng lưới phát triển dày đặc. Tuy nhiên, hình thức đặt phòng này cũng có thể khiến sự trung thành của khách hàng giảm xuống đáng kể. Bởi, với sự phát triển của công nghệ, chỉ cần một cú nhấp chuột, khách hàng đã có hàng nghìn kết quả để lựa chọn.
Cũng theo đơn vị tư vấn, những tác động này không chỉ xuất hiện riêng tại thị trường TP.HCM. Trên thực tế, nền tảng đặt phòng trực tuyến đã làm gián đoạn ngành khách sạn và nghỉ dưỡng toàn cầu. Ngay cả các ứng dụng di động cũng đã đầu tư nâng cao chất lượng thông tin và trải nghiệm du lịch như hướng dẫn viên ảo hay ứng dụng phiên dịch.
Hiện đang có tới 35% tổng số người sử dụng smartphone đã tải ứng dụng tìm kiếm các chuyến bay, khách sạn về máy, 27% sử dụng ứng dụng về máy để đặt các chuyến bay, khách sạn và 19% bật thông báo từ các ứng dụng du lịch để cập nhật tin tức, số liệu theo báo cáo của Travelport Digital – một nền tảng tương tác di động dành cho các thương hiệu du lịch.