Không phải giá nhà quá cao mà là thu nhập của người dân quá thấp

  28/11/2014 - 07:35

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho rằng: “Trong khi giá nhà đất tuân theo giá thị trường, xi măng, khóa, cửa,... theo giá quốc tế thì lương của chúng ta chỉ 2 - 3 triệu đồng. Đòi hỏi giá nhà bán theo mức lương 2 triệu đồng/tháng là không hợp lý".

Nhận định trên được Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam nhấn mạnh tại Hội thảo "Kinh doanh Bất động sản - cơ hội và thách thức trong bối cảnh thị trường có dấu hiệu phục hồi".

Thứ trưởng cho biết, trong hai năm 2013 và 2014, các giao dịch bất động sản tăng trưởng liên tục theo hướng tăng dần. Đặc biệt, trong năm 2014, lượng giao dịch thành công tại Hà Nội trong 11 tháng qua đã đạt xấp xỉ 10.000 giao dịch. Đây là những giao dịch thống kê được qua các sàn giao dịch bất động sản, còn giao dịch giữa người dân mua bán với nhau thì không thống kê được, nghĩa là con số thật của lượng giao dịch thành công còn nhiều hơn nữa.

 nước có giá nhà cao nhất.
Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam cho rằng Việt Nam không phải là nước trong
top 20 nước có giá nhà cao nhất.

“10.000 giao dịch thành công, nghĩa là bằng 200% lượng giao dịch của 11 tháng năm 2013. Sau 1 năm mà lượng giao dịch tăng gấp đôi, đây là một con số đáng ghi nhận, nó thể hiện sự hồi phục của thị trường bất động sản. Trong khi năm 2013 đã tăng trưởng tốt hơn so với năm 2012, cụ thể là giao dịch tăng gấp rưỡi", ông Nam cho biết.

Thứ trưởng cũng đưa ra con số thống kê lượng giao dịch thành công tại Tp.HCM là khoảng 8.850 giao dịch, tăng 35% so với cùng kỳ năm 2013.

Theo ông Nam, Hà Nội và Tp.HCM đã dẫn dắt thị trường cả nước, nơi thì tăng gấp đôi, nơi thì tăng gấp rưỡi. Điều này cho thấy thị trường đang hồi phục trở lại. Cùng với đó, rất nhiều doanh nghiệp đã bắt đầu khởi công lại dự án, khởi động lại việc bán hàng, thúc đẩy tiếp thị, các lễ khởi công và bàn giao nhà liên tục diễn ra.

"Chủ nhật vừa rôi tôi đã đi dự lễ bàn giao giai đoạn 1 của một dự án. Dự án đó có 4 khối nhà với khoảng 2.000 căn hộ, đến nay đã bán được 1.000 căn. Chủ đầu tư cho biết, với lượng tiêu thụ đó, doanh nghiệp đã hòa vốn, thu đủ dòng tiền để tiếp tục triển khai hoàn thiện. Phần còn lại bán để thu lợi nhuận. Đây là một dấu hiệu rất tốt", ông Nam đưa ra dẫn chứng.

Đánh giá về giao dịch trên thị trường, ông Nam cho biết: Giao dịch diễn ra chủ yếu ở phân khúc căn hộ vừa và nhỏ. Điều đó chứng minh định hướng và giải pháp của Chính phủ là đúng. Mặc dù lúc đầu có nhiều ý kiến về việc quá tải hạ tầng, nhà ổ chuột trên cao,... nhưng thực tế đã chứng minh những định hướng đó là đúng đắn.

"Giao dịch tăng lên nhưng giá cơ bản ổn định, hầu như không tăng, có những khu vực giảm, cá biệt có dự án nhích lên một chút vì nằm ở vị trí đẹp, giao thông đắc địa. Mức giá trước đây đã về mức tương đối phù hợp với sức mua của người dân, phù hợp với thị trường. Còn nguyên nhân thực sự khiến sức mua yếu là vì lương quá thấp, thu nhập của người dân quá thấp. Chúng ta luôn đưa ra nhận định là giá nhà tại Việt Nam cao, nhưng thực tế là chúng ta không nằm trong top 20 quốc gia có giá nhà ở cao nhất thế giới. Trong khi đó, Đông Nam Á còn có Singapore, Indonesia, Châu Á thì có Trung Quốc và Nhật Bản. Nếu Việt Nam không nằm trong top 20 nước có giá nhà cao thì không thể nói là giá nhà tại Việt Nam cao được", ông Nam phân tích.

Vì những phân tích đó, Thứ trưởng cho rằng, giá nhà hiện nay là khá phù hợp, vấn đề cốt lõi là lương và thu nhập của người dân quá thấp. "Trong khi lương của chúng ta chỉ ở mức 2 - 3 triệu đồng/tháng, giá nhà đất lại tuân theo thị trường, giá kính, xi măng, sứ vệ sinh, khóa, rèm, bản lề,... đều theo giá quốc tế. Chúng ta không thể đòi hỏi giá nhà phải bán theo mức lương 2 triệu đồng/tháng trong khi xây dựng theo giá thị trường quốc tế, đó là điều không hợp lý. Nếu đã nêu ý kiến thì phải đúng, đừng gây bão trong xã hội", ông Nam chỉ rõ.

Ngoài ra, ông Nam cũng đưa ra thống kê, lượng tồn kho bất động sản thời gian qua đã giảm liên tục. Tính đến ngày 20/11/2014, tổng giá trị tồn kho bất động sản còn khoảng 77.800 tỷ đồng, giảm 39% so với quý I/2013.

Đặc biệt, hiện nay dòng tiền đang đổ mạnh vào bất động sản. Tính đến hết quý III/2014, dư nợ tín dụng bất động sản đã tăng 12%, trong khi tăng trưởng tín dụng chung chỉ đạt khoảng 6%, nghĩa là tăng trưởng gấp đôi. 239.000 tỷ đồng là dòng tiền từ ngân hàng chính thức vào thị trường bất động sản, đã vượt mức cao nhất trước đây là 2.800 tỷ đồng, đấy là chưa kể đến lượng tiền của người dân "đổ" vào bất động sản.

(Theo Infonet)

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu