Làm homestay liệu có dễ ăn?

  03/09/2019 - 09:17

Không chỉ phát triển mạnh tại các địa phương có du lịch phát triển, mô hình homestay còn trở thành trào lưu đầu tư được ưa chuộng ở các đô thị lớn như Hà Nội, Sài Gòn.

Du nhập vào Việt Nam từ khá lâu, nhưng mô hình kinh doanh homestay mới chỉ phát triển tại Hà Nội, Sài Gòn trong khoảng 2-3 năm trở lại đây. Nhà đầu tư hoặc chọn phương án mua hoặc thuê đất rồi xây homestay với thiết kế độc, lạ, có chất riêng nhằm thu hút đối tượng thuê là các vị khách du lịch có thời gian cư trú ngắn ngày.

Homestay hiện cũng đang được nhiều người dân Hà Nội chọn là điểm đến nghỉ dưỡng, hay đơn giản là thay đổi không khí vào dịp cuối tuần hoặc những ngày nghỉ lễ. Ngoài ra, đây còn trở thành nơi tổ chức các bữa tiệc gia đình, các cuộc gặp gỡ bạn bè, thậm chí là đám cưới... nhờ vào ưu điểm thiết kế lạ và "chất".

 homestay
Hà Nội đang nở rộ đầu tư kinh doanh homestay.

Nguồn cung homestay tại 2 đô thị lớn nhất cả nước (Hà Nội và Sài Gòn) liên tục tăng mạnh từ 2-3 năm trở lại đây. Cụ thể, tổng sản phẩm homestay tại 2 thành phố này trong năm 2017 ước tính mới có khoảng 8.000 căn nhưng hiện đã tăng vọt lên gần 30.000, tăng tới 4 lần chỉ trong vòng 2 năm, số liệu thống kê của Công ty Dữ liệu và phân tích cho thuê ngắn hạn (AirDNA) tại Việt Nam.

Được biết, thời gian để xây mới một homestay chỉ trong vòng 3 tháng, còn cải tạo chỉ mất khoảng 2 tuần là có thể đưa vào kinh doanh cho thuê. Tại thị trường Hà Nội, giá thuê mỗi căn homestay hiện nằm trong khoảng từ 300.000 đồng đến trên 3 triệu đồng, tùy diện tích, chất lượng của mỗi sản phẩm.

Chi phí quảng cáo của nhà đầu tư homestay hiện cũng không mất nhiều như trước bởi nhờ sự phát triển của công nghệ, họ hoàn toàn có thể quảng cáo trực tuyến mà không hề mất phí. Với giá thuê trung bình một căn homestay ở thời điểm hiện tại là khoảng 5,4-54 triệu đồng thì chỉ cần đạt tỷ lệ căn cho thuê khoảng 60% là chủ đầu tư đã có một khoản thu nhập rất ấn tượng.

Tuy là kênh đầu tư được đánh là hấp dẫn, đầy tiềm năng với mức lợi nhuận cao nhưng không phải ai cũng có thể dễ dàng thành công khi đổ tiền vào homestay. Chị Nguyễn Thị Hồng Vân, một nhà đầu tư có kinh nghiệm 2 năm trong việc làm homestay trên đường Âu Cơ (Tây Hồ, Hà Nội) chia sẻ, chị bắt đầu kinh doanh mô hình này với số vốn 400 triệu vay từ ngân hàng. Với khoản vốn này chị đã xây mới một căn hộ và 3 tháng sau đưa vào kinh doanh theo mô hình homestay.

Một homestay trên đường Âu Cơ
Một homestay trên đường Âu Cơ được thiết kế theo phong cách tối giản.

Đối tượng khách thuê homestay của chị không giới hạn, đó có thể là khách du lịch nước ngoài, khách du lịch đến từ các địa phương khác, hay đơn giản là những người dân Hà Nội muốn tìm một địa điểm nghỉ dưỡng mới mẻ với giá cả phải chăng ngay tại Thủ đô. Do đó, nhà đầu tư này có được nguồn thu quanh năm từ căn hộ homestay với mức trung bình khoảng 100-150 triệu/tháng và khoản lời sau thuế phí là khoảng 60-100 triệu. Do việc kinh doanh thuận lợi nên chị đã thu hồi được vốn chỉ sau 1,5 năm. Nhận thấy tiềm năng của homestay, chị đã làm thêm 2 căn khác ngay bên cạnh từ 1 năm trước với số vốn đầu tư chừng700 triệu đồng, dự tính chỉ trong năm nay sẽ hoàn vốn.

“Hiện nay kinh doanh homestay vô cùng cạnh tranh. Không chỉ các homestay cạnh tranh với nhau, mà còn phải cạnh tranh với vô số khách sạn, nhà nghỉ lớn nhỏ, đã có rất nhiều homestay phải sang nhượng lại. Bởi nhiều bạn trẻ chỉ nghĩ đơn giản, đầu tư thiết kế độc, lạ, ở trung tâm phố cổ là có thể hút khách. Có nhiều người còn bỏ cả công việc chính để đầu tư vào kinh doanh homestay”, chị Vân nhận định về thị trường homestay Hà Nội.

Nhà đầu tư này cho biết thêm, theo tính toán của nhiều bạn trẻ, chỉ cần thuê được 1 căn chung cư cũ tại trung tâm phố cổ Hà Nội để thực hiện mô hình này với giá 6 triệu là có hời. Song, các bạn ấy không lường được trường hợp không phải ngày nào cũng đạt tỷ lệ lấp đầy 100%. Với giá thuê khoảng 800 ngàn/đêm nếu tính toán tốt thì tỷ lệ số ngày có khách thuê trong tháng cũng khó đạt được 100%, thông thường chỉ ở mức 60%. Như vậy, số tiền lãi sau khi trừ các khoản phí điện nước, thuê nhân viên… chỉ khoảng 8-9 triệu.

Ngoài ra, còn phải lường đến những trường hợp đồ đạc, công trình hư hỏng (có thể do chất lượng công trình xuống cấp, có thể do khách thuê làm hỏng) lại phải mất một khoản kinh phí không nhỏ để sửa chữa. Bên cạnh đó, còn có những rủi ro như khách gọi điện đặt phòng nhưng không đến dẫn đến tình trạng phòng bị bỏ không, cũng có những khách sau khi ở vài ngày thì bỏ đi mà không thanh toán tiền thuê... Trên thực tế, đã có rất nhiều trường hợp nhà đầu phải sang nhượng lại homestay chỉ sau một thời gian ngắn vận hành vì không kiểm soát được những rủi ro này.

Từ đó, chị Vân chia khuyên: “Theo mình thì không một ngành nghề nào, môi trường nào mà không có sự cạnh tranh. Vì vậy, muốn phát triển tốt mô hình kinh doanh này, cần phải tìm một lối đi riêng, định hình phong cách và xác định rõ khách hàng mục tiêu của mình, có chiến lược rõ ràng… mới có khả năng thành công được!”

Kinh doanh homestay được các chuyên gia đánh giá sẽ bùng nổ trong khoảng 3-5 năm tới đây nhưng cũng có không ít rủi ro tiềm ẩn đối với những nhà đầu tư vốn mỏng, kinh nghiệm ít, không tìm được địa điểm hợp lý... Đánh giá này xuất phát từ thực tế tại Hà Nội trong năm 2018, có tới trên 11.000 sản phẩm homestay nhưng số sản phẩm đưa vào hoạt động thực sự chỉ khoảng 6.400 căn, số còn lại đa phần hoạt động không hiệu quả hoặc chỉ đăng ký mà không hoạt động, theo số liệu của AirDNA.

(Theo Dân Việt)

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu