Mua nhà trên giấy đẩy nhiều người vào tình cảnh lao đao

  04/12/2019 - 08:52

Bỏ ra tiền tỷ để mua nhà trên giấy nhưng nhiều khách hàng rơi vào tình cảnh lao đao vì sau nhiều năm nhà vẫn chưa được thành hình.

Nguồn cung bất động sản khan hiếm đẩy giá cả tăng cao khiến nhiều gia đình không đủ khả năng tài chính để mua một căn nhà có sẵn. Do đó, nhiều người đã lựa chọn phương án mua nhà tại các dự án căn hộ chung cư hình thành trong tương lai và trả tiền theo tiến độ xây dựng. Việc mua nhà trên giấy vừa có giá rẻ hơn so với những sản phẩm đã hoàn thành vừa giúp giải quyết được bài toán tài chính cho người mua.

Chính những lợi thế này đã khiến nhiều người, đặc biệt là các gia đình trẻ lựa chọn nhà ở tại các dự án chung cư mới mở bán hoặc đang trong quá trình xây dựng với hy vọng sẽ có được ngôi nhà của riêng mình sau một vài năm.

Mua nhà trên giấy
Mua nhà trên giấy không giúp các gia đình trẻ dễ dàng hiện thực hóa giấc mơ có nhà ở. Ảnh: Minh họa

Nhưng thực tế lại không được như suy nghĩ của mọi người, bởi việc mua nhà trên giấy thường phát sinh rất nhiều vấn đề bất lợi cho người mua như: dự án chậm tiến độ, không đảm bảo thời gian bàn giao như trong hợp đồng, thậm chí là đắp chiếu nhiều năm dù khách hàng đã thanh toán tới 70% giá trị sản phẩm. Trên thực tế đã có nhiều dự án dù bán được 90% sản phẩm nhưng lại bị đứng hình suốt 4-5 năm vì vướng các thủ tục pháp lý.

Có những dự án bị dở dang vì vướng vào tranh chấp khiến tài sản bị phong tỏa, những dự ánbị chủ đầu tư mang đi thế chấp, đẩy người mua vào tình cảnh lao đao, không biết đến bao giờ mới có được chốn an cư, mà tiền đóng rồi khó để lấy lại được.

Tại TP.HCM đang có tới hàng ngàn người mất ăn mất ngủ, thậm chí không làm được việc vì dành thời gian để đi kiện tụng đòi nhà mà không biết kết cục sẽ ra sao. Thực tế đang có quá nhiều dự án tồn tại những vi phạm mà cơ quan chức năng chưa thể xử lý hết, do đó người dân chỉ còn biết chờ đợi vì đã đóng tiền cho chủ đầu tư.

Năm 2014, chị Trần Thị Minh Anh (quận Tân Bình, TP.HCM) đã đăng ký mua một căn hộ giá 1,2 tỷ đồng tại dự án trên địa bàn quận Bình Tân. Nhưng cho đến nay dự án vẫn đứng im một chỗ khiến chị mãi không có được chốn an cư dù đã đóng tới 70% giá trị căn hộ.

Mua một căn hộ thuộc dự án hình thành trong tương lai tại quận 8 vào năm 2017, đến nay anh Trần Văn Nghị (Thanh Hóa) vẫn chưa nhận được nhà và dự án chỉ là bãi đất trống để cỏ dại mặc sức lấn chiếm. Theo thông tin anh nghe ngóng được thì dự án không triển khai vì chưa được cấp phép xây dựng. Mà nhiều lần khách hàng đến đòi lại tiền đã đóng thì đều bị chủ đầu tư trốn tránh trách nhiệm.

Mua nhà ở quận Tân Phú từ năm 2010 nhưng mãi tới tháng 9/2019 anh Hoàng An mới nhận được thông báo nhận nhà từ phía chủ đầu tư. Nhưng căn hộ mà anh nhận được chỉ là công trình thô với ngổn ngang gạch đá, và giữa hai bên không hề có văn bản bàn giao nhà mà chỉ có một tờ giấy ký tạm.

Thắc mắc về vấn đề này, câu trả lời mà anh An nhận từ phía chủ đầu tư là “chúng tôi bây giờ hết khả năng, anh chị nếu muốn vào ở thì phải tự hoàn thiện nhà”. Vì nhu cầu bức thiết về nơi ở nên gia đình anh đành phải vay mượn thêm vài trăm triệu để hoàn thiện căn hộ và chuyển vào khi công trình chưa nghiệm thu.

Tại TP.HCM, những trường hợp gặp phải rủi ro khi mua nhà trên giấy như chị Minh Anh, anh Trần Văn Nghị hay anh Hoàng An là rất nhiều.

Mua nhà là một trong những việc quan trọng nhất của con người. Tuy nhiên, cánh cổng dẫn đến sở hữu nhà ở của người dân ngày càng bị thu hẹp vì những rối ren trên thị trường, bất cập trong chính sách. 

(Theo Trí thức trẻ)

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu