Năm 2015, bất động sản đi lên hay đi xuống?

  10/12/2014 - 07:57

Theo TS Trần Kim Chung, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, thị trường bất động sản sẽ đi lên từ quý 2/2015 và có thể tốt ở quý 2/2016, nếu có được một vài dấu hiệu tích cực.

TS Trần Kim Chung cho rằng, thị trường bất động hiện sản đang ở giai đoạn chờ đợi một xu hướng mới. Sau một thời gian suy giảm, về cơ bản thị trường đã xuất hiện các yếu phục hồi trước tháng 5/2014. Đến thời điểm này, thị trường đã có nhiều tín hiệu tốt như: một số giao dịch đã thành công và một số dự án đã quay lại triển khai. Tuy nhiên, trên thị trường hiện vẫn còn tồn tại nhiều dự án ở trong tình trạng đóng băng…

Trước thực trạng đó, ông Chung đã đưa ra 3 kịch bản đối với thị trường bất động sản Việt Nam trong quý 4/2014, năm 2015 và trong trung hạn.

Thị trường bất động sản được nhận định sẽ đi lên từ quý 2/2015 và có thể tốt ở quý 2/2016
Thị trường bất động sản được nhận định sẽ đi lên từ quý 2/2015 
và có thể tốt ở quý 2/2016

Kịch bản thứ nhất là kịch bản tốt nhất, đáng mong đợi nhất nhưng cũng là kịch bản khó khăn nhất, đòi hỏi hội tụ một số điều kiện.

Thị trường bất động sản tái phục hồi. Điều này được thể hiện qua việc đưa vào vận hành các dự án đã hoàn thành, còn các dự án đang triển khai vẫn tiếp tục. Một số dự án có vị trí tốt được tái phục hồi, một số sản phẩm mới sẽ ra đời và các giao dịch diễn ra sôi động, Kịch bản thứ hai là kịch bản tiệm tiến ngoại suy. Theo đánh giá của ông Chung thì đây là kịch bản dễ xảy ra nhất.

Theo đó, chỉ có giao dịch ở những dự án đã hoàn thành, và các dự án tốt vẫn tiếp tục được một số ít doanh nghiệp chủ đạo trong thị trường triển khai. Một số ít dự án tái phục hồi hoạt động, các giao dịch trên thị trường khá trầm lắng, nếu có sẽ chỉ diễn ra tại những dự án đã hoàn thành, thị trường sẽ xuất hiện một số nhà đầu tư mới năng lực tốt.

Kịch bản thứ 3 là một kịch bản xấu, và cũng là kịch bản không mong muốn nhất. Nó hoàn toàn có thể xảy ra nếu tình hình kinh tế trên thế giới và trong nước vẫn tiếp tục khó khăn.

Khi đó, thị trường sẽ tiếp tục bị co hẹp, chỉ những dự án đã hoàn thành mới có giao dịch. Các doanh nghiệp bất động sản tiếp tục thoái vốn khỏi thị trường, một số dự án lâm vào tình thế khó khăn và kéo theo đó là sự xuất hiện của một số thế lực tài chính với mục tiêu thôn tính các dự án bất động sản.

Nhận định về thị trường trong trung hạn, ông Chung cho rằng, thị trường bất động sản có xu hướng là tốt lên. Đến quý 2 hoặc quý 3/2015, thị trường sẽ đón nhận xung lực mới khi Việt Nam tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), kinh tế thế giới dần ổn định trở lại, một số dự án mới sẽ được đưa vào vận hành do nguồn kiều hối và vốn đầu tư nước ngoài đầu tư vào thị trường dưới sự tác động của các chính sách mới.

Về dài hạn, ông Chung cho rằng thị trường bất động sản sẽ hình thành một chu kỳ mới, bởi giai đoạn trầm lắng của nó đã đủ dài để nền kinh tế tích lũy thế năng cho một chu kỳ mới. Tuy nhiên, mức độ và quy mô chu kỳ mới nếu có cũng sẽ phải phụ thuộc vào nhiều yếu tố mà chưa thể định hình được ở thời điểm hiện tại.

“Thị trường bất động sản đang đứng trước ngã ba đường. Việc thị trường đi xuống hay đi lên ở thời điểm hiện tại là rất khó đoán định. Tuy nhiên, nếu có được một vài dấu hiệu tích cực, thị trường sẽ đi lên từ quý 2/2015 và có thể tốt ở quý 2/2016”, ông Chung nhận định.

Theo TS Trần Kim Chung, giải pháp lớn nhất là phải tạo dòng vốn vận hành vào thị trường. Thứ hai là phải ban hành chính sách về hệ thống thế chấp thứ cấp, và chính sách về ngân hàng tiết kiệm nhà ở và về quỹ đầu tư tín thác bất động sản. Cuối cùng là cần thúc đẩy các nỗ lực giải ngân gói 30.000 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, những khó khăn về thủ tục cần tiếp tục được tháo gỡ, cho phép chia nhỏ căn hộ tại các dự án ở các quận mới thành lập của Tp.HCM và Hà Nội, xem xét điều chỉnh giá đất theo hướng giảm, cho phép chậm nộp tiền sử dụng đất và kiên quyết tạm dừng phê duyệt mới dự án bất động sản, đồng thời tăng cường các giải pháp làm minh bạch thị trường.

(Theo Infonet)

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu