Năm 2016, thị trường đã và đang chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của phân khúc bất động sản (BĐS) nghỉ dưỡng. Hiện phân khúc này đang trở thành cuộc đua "nóng bỏng" của nhiều "ông lớn" địa ốc.
Với nhiều tiềm năng, lợi thế, BĐS nghỉ dưỡng trở thành xu hướng nổi bật trong
năm 2016.
Giới "đại gia" dồn tiền vào BĐS nghỉ dưỡng
Trong năm 2016, BĐS nghỉ dưỡng trở thành xu hướng nổi bật bởi nhiều tiềm năng lợi thế cùng với sự phát triển sôi động của thị trường. Thực tế cho thấy, hàng loạt nhà đầu tư đã mạnh tay rót vốn vào phân khúc này. Các khu vực tâm điểm có thể kể đến các TP, thị trấn như Đà Nẵng, Hội An, Nhà Trang, Phú Quốc, Quy Nhơn, Hạ Long, Sapa...
Loại hình BĐS nghỉ dưỡng ven biển vẫn chiếm ưu thế nhất. Thị trường khu vực Đà Nẵng nổi bật với nhiều dự án có vốn đầu tư lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng như Hyatt Regency, One Opera Danang, Indochina Riverside Towers, Cocobay Đà Nẵng, Nam Hai Resort,…
Nói đến BĐS nghỉ dưỡng ven biển không thể bỏ qua Nha Trang. Thành phố biển này đang là tâm điểm đón dòng tiền đầu tư ồ ạt từ khắp nơi chảy vào. Đáng chú ý ở khu vực này là các dự án như: Vinpearl Beach Front Trần Phú, Movenpick Cam Ranh, Panorama Nha Trang, Ariyana, Radisson Blu Cam Ranh Resort,...
Cùng với sự phát triển bùng nổ của dự án nghỉ dưỡng ven biển, không ít nhà đầu tư đang hướng đến việc “lên núi” tìm kiếm cơ hội gia tăng lợi nhuận.
Thế nên, thị trường Sapa (Lào Cai) được ví như luồng gió mới đầy tiềm năng. Việc hạ tầng khu vực này ngày càng đồng bộ, hoàn thiện và hiện đại đã khiến lượng khách du lịch tại đây tăng đột biến.
Vì vậy, giới đầu tư không thể rời mắt trước "món hời" Sapa với các dự án như Fansipan Legend với tổng mức đầu tư 4.400 tỷ của Sungroup, The Manor Eco Lào Cai của Betexco, Sa Pa Jade Hill của Công ty Trường Giang Sapa,…
Đòn bẩy tiềm năng
Phân khúc BĐS nghỉ dưỡng phát triển mạnh mẽ trong thời gian gần đây là bởi tiềm năng thiên phú về du lịch mà Việt Nam có được. Các lợi thế về bờ biển dài, bãi biển thuộc nhóm đẹp nhất thế giới, di sản thiên nhiên, văn hóa lịch sử phong phú… khiến Việt Nam luôn nằm trong top những đất nước đáng đến trên thế giới.
Giới đầu tư sẽ thấy rõ lợi nhuận từ sự phát triển của ngành công nghiệp du lịch, do đó cơ hội cho BĐS nghỉ dưỡng càng rộng mở hơn.
Trước đây, BĐS nghỉ dưỡng được xem là phân khúc của giới nhà giàu thì hiện nay đã mở rộng hơn về đối tượng khách hàng.
Nguyên thứ trưởng Bộ Xây Dựng, ông Nguyễn Trần Nam đánh giá, vài năm gần đây, nền kinh tế vĩ mô của Việt Nam tăng trưởng mạnh, thu nhập của người dân cũng tăng lên đáng kể. Mặt khác, khi giá của phân khúc nghỉ dưỡng ngày càng được các chủ đầu tư thiết lập hợp lý hơn thì không chỉ tầng lớp thượng lưu mà ngay cả tầng lớp trung lưu cũng có thể sở hữu. Nguồn cung chắc chắn sẽ gia tăng khi nguồn cầu được mở rộng.
Bên cạnh đó, hành lang pháp lý trong lĩnh vực BĐS đã thông thoáng hơn. Luật Nhà ở sửa đổi có hiệu lực vào ngày 01/07/2015 cho phép nước ngoài sở hữu BĐS là một điểm sáng tiêu biểu, tạo điều kiện thuận lợi cho phân khúc BĐS nghỉ dưỡng có cơ hội tăng tốc.
Trong năm 2016, tạo cú hích quan trọng cho sự phát triển của BĐS nghỉ dưỡng chính là việc nhiều chủ đầu tư đã thay đổi cơ cấu sản phẩm trở thành một sản phẩm đầu tư hấp dẫn thay vì đơn thuần chỉ là sản phẩm để ở như trước đây.
Chủ đầu tư linh hoạt hơn với cam kết lợi nhuận cho thuê dài hạn, ưu đãi về lãi suất vay… Xu hướng này đã đi về đúng bản chất của BĐS nghỉ dưỡng, cũng là tiền đề để các nhà đầu tư mạnh tay xuống tiền.