Trong bối cảnh thị trường bất động sản (BĐS) cạnh tranh ngày một khốc liệt, kết quả kinh doanh của những doanh nghiệp từng rất có thế lực trong ngành ngày càng khó khăn. Các doanh nghiệp địa ốc niêm yết ghi nhận kết quả kinh doanh năm 2016 giảm sút.
Trước sự bành trướng của các doanh nghiệp lớn và sự nổi lên của nhóm doanh nghiệp mới, các doanh nghiệp lâu đời này tỏ ra lép vế. Kết quả kinh doanh đi xuống và số lượng dự án triển khai ngày một ít đi.
Thị trường BĐS được đánh giá đã ấm trở lại từ năm 2014 nhưng lợi nhuận chỉ tập
trung vào một số doanh nghiệp dẫn đầu thị trường. (Ảnh minh họa: Lê Quân).
Năm vừa qua, nhóm doanh nghiệp BĐS niêm yết trên 2 sàn HNX và HOSE ghi nhận 22 đơn vị có kết quả kinh doanh, lợi nhuận sụt giảm. Trong đó, có nhiều tên tuổi quen thuộc như Đầu tư Xây dựng Bình Chánh (BCI); Fideco (FDC); Hoàng Quân (HQC); DragonLand (LDG); Tập đoàn Thăng Long (TIG), Sông Đà 1.01 (SJC);...
Thậm chí, một số doanh nghiệp như IDJ Financial (IDJ), Dầu khí Nghệ An (PXA), CTCP Đầu tư PV2 (PV2), Simco Sông Đà (SDA) còn báo lỗ ròng hàng chục tỷ đồng.
Công ty Đầu tư Xây dựng Bình Chánh (BCI) ghi nhận doanh thu năm 2016 tăng tới 130% so với năm trước, đạt 1.071 tỷ đồng. Song, giá vốn hàng bán tăng mạnh gấp gần 12 lần đã bào mòn lợi nhuận, đạt 113 tỷ đồng. Đơn vị này chỉ ghi nhận 40 tỷ đồng lãi trước thuế trong năm 2016, bằng 1/9 năm 2015.
Hoàng Quân là doanh nghiệp có 15 năm kinh doanh trong lĩnh vực BĐS, được xem là một trong những thương hiệu dẫn đầu phía Nam nhưng năm 2016 của doanh nghiệp này cũng không mấy lạc quan.
Năm 2016, Hoàng Quân ghi nhận doanh thu đạt trên 1.306 tỷ đồng, con số này giảm nhẹ so với năm trước đó. Hàng loạt các chi phí như trả lãi vay, chi phí quản lý cùng với doanh thu từ hoạt động tài chính sụt giảm đã khiến lợi nhuận thuần của Hoàng Quân giảm tới 3,4 lần, xuống còn 120 tỷ đồng.
Trong năm 2016, nhiều doanh nghiệp BĐS tên tuổi ghi nhận kết quả lợi nhuận
giảm sút. (Đồ họa: Quang Thắng)
Hoàng Quân chỉ có khoản lãi 141 tỷ đồng trước thuế, thấp hơn nhiều so với con số 738 tỷ đồng năm 2015. Mặt khác, trên sàn chứng khoán, thị giá cổ phiếu HQC trong năm 2016 cũng đã giảm gần 3 lần, từ 6.000 đồng/cổ phiếu đầu năm xuống 2.500 đồng/cổ phiếu hiện tại.
Kết quả kinh doanh của Địa ốc Hoàng Quân - HQC từ năm 2012 đến nay.
(Đồ họa: Quang Thắng)
Tại thị trường BĐS phía Nam, Fideco cũng là một trong những doanh nghiệp khá tên tuổi. Nhưng vài năm trở lại đây, cái tên này gần như vắng bóng trên thị trường nhà đất.
Doanh nghiệp này đang sở hữu một vài dự án như Fideco Riverview Thảo Điền, khu đô thị thương mại dịch vụ và dân cư Đông Bình Dương, cao ốc Fideco, khu nhà ở Bình Trưng Đông... Fideco báo lỗ ròng 12 tỷ đồng trước thuế năm 2016, trong khi năm trước đó công ty này vẫn lãi 60 tỷ đồng.
Tập đoàn Thăng Long là một trong nhóm doanh nghiệp địa ốc tầm trung tại thủ đô với vốn điều lệ hơn 735 tỷ đồng. Thế nhưng, trong năm 2016, dấu ấn của đơn vị này khá mờ nhạt trên thị trường Hà Nội.
Thăng Long chỉ xuất hiện với một vài dự án như Khu nhà ở Lô 8.1 Mỹ Đình, Tòa nhà hỗn hợp Thanglong Royal Plaze, dự án khu du lịch - Biệt thự sinh thái nghỉ dưỡng Vườn Vua. Đây cũng không phải là những dự án riêng của tập đoàn mà doanh nghiệp chỉ sở hữu tỷ lệ góp vốn nhất định. Năm qua, Thăng Long chỉ ghi nhận 178 tỷ đồng doanh thu, 56 tỷ đồng lãi trước thuế, so với năm trước giảm 50%.