Năm 2019, thị trường địa ốc kết thúc chu kỳ tăng trưởng 10 năm?

  10/04/2019 - 01:38

Thị trường bất động sản trong tương lai gần sẽ tiếp tục phát triển ổn định và đây là vẫn là kênh đầu tư thu hút dòng tiền mạnh mẽ nhất. Điều này trái với những lo ngại về sự kết thúc giai đoạn tăng trưởng của thị trường nhà đất.

Phó Tổng giám đốc Batdongsan.com.vn, ông Nguyễn Quốc Anh cho biết thông tin trên tại buổi họp báo Báo cáo Thị trường Bất động sản quý 1/2019 được tổ chức tại Hà Nội vào ngày 10/4/2019.

Thị trường địa ốc tiếp tục phát triển ổn định

Ông Quốc Anh nhận định, thị trường nhà đất Việt Nam cũng giống như nền kinh tế Việt Nam đều còn khá non trẻ. Trong những năm 2001-2018, thị trường liên tục biến động. Giai đoạn 2001-2002, thị trường bất động sản bắt đầu sốt nóng khi nền kinh tế dần phục hồi sau khủng hoảng. Vậy nhưng, với hàng loạt chính sách nhằm minh bạch và ổn định thị trường, bất động sản rơi vào trạng thái "đóng băng" trong những năm 2002-2006. Luật Đất đai được ban hành vào năm 2003 và Nghị quyết 181 đã chấm dứt tình trạng phân lô bán nền. Theo đó, dòng tiền từ địa ốc dã dịch chuyển dần sang thị trường chứng khoán. 

Thị trường nhà đất tiếp tục sốt nóng lần 2 giai đoạn 2007-2008. Tháng 3/2007 được xem là đỉnh của thị trường trong những năm này. Lực đẩy của thị trường đến từ những tín hiệu tích cực như chứng khoán bùng nổ, Việt Nam gia nhập WTO. Lúc bấy giờ, vốn thặng du từ chứng khoán dịch chuyển sang bất động sản. Song từ năm 2009-2013, thị trường tiếp tục rơi vào suy thoái, "ngủ đông". Số lượng lẫn giá trị giao dịch của bất động sản đều sụt giảm do nợ xấu và tỷ lệ lạm phát cao. Thị trường địa ốc Việt chịu tác động của suy thoái kinh tế toàn cầu do nợ dưới chuẩn từ thị trường Mỹ. Thời kỳ này Việt Nam có nhiều điểm tương đồng với sự tăng trưởng nóng của tín dụng bất động sản Mỹ.

Thị trường tiếp tục hồi phục và phát triển từ năm 2014 tới quý 1/2019 nhờ kinh tế ổn định, lạm phát được kiềm chế và GDP tăng. Cùng với đó, Luật Kinh doanh Bất động sản cũng cho phép người nước ngoài được mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam. Hiện tại, thị trường có thêm nhiều loại hình bất động sản mới như shophouse, condotel, officetel và bất động sản công nghiệp. Quá trình hồi phục, phát triển của thị trường diễn ra trong vòng hơn 4 năm.

Từ năm 2018, khá nhiều người lo ngại rằng, đến năm 2019 là tròn 10 năm một chu kỳ, thị trường sẽ kết thúc chu kỳ tăng trưởng? Vậy nhưng, ông Quốc Anh cho hay, chu kỳ của thị trường phụ thuộc vào diễn biến của thị trường và nền kinh tế chứ không nhất thiết phải là 5 năm hoặc 10 năm. Thị trường thời điểm hiện tại không có cơ sở cho "bong bóng" nhà địa ốc.

Bất động sản quý 1/2019
Họp báo Báo cáo Thị trường Bất động sản quý 1/2019 của Batdongsan.com.vn 

Thị trường bất động sản tiếp tục duy trì mức độ tăng trưởng ổn định trong 3 tháng đầu năm 2019. Bên cạnh đó, kinh tế toàn cầu cũng đang trong chu kỳ tăng trưởng kéo dài. Việt Nam đạt được những chỉ số kinh tế ấn tượng. Cụ thể, tăng trưởng GDP so với cùng kỳ năm ngoái đạt 6,79%, CPI (chỉ số tiêu dùng) đạt 2,63%. Lượng doanh nghiệp địa ốc mới thành lập tăng 23%, với 1.548 doanh nghiệp. Lượt khách du lịch quốc tế tăng 7% với 4,5 triệu lượt. Vốn FDI vào Việt Nam tăng 86%.

Trên website Batdongsan.com.vn, mức độ quan tâm cũng như lượng tin đăng cũng đang tăng trưởng tích cực. Vào quý 1/2018, lượng tin đăng các loại bất động sản là 598,2 nghìn tin, tới quý 1/2019 đã tăng lên 870,7 nghìn tin. Trong 3 tháng đầu năm nay, tăng trưởng mức độ quan tâm tới các loại hình bất động sản đạt 115%, so với cùng kỳ năm trước tăng 5,2%.

Mặt khác, lượt tìm kiếm bất động sản ở các tỉnh, thành tăng nhẹ. So với cùng kỳ năm ngoái, Tp.HCM tăng 18%, Hà Nội tăng 12%, Nha Trang và Đà Nẵng tăng 17%, Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu tăng 18%.

Về mức độ quan tâm đối với các loại hình bất động sản, so với cùng kỳ năm trước, nhà riêng tăng 4%, chung cư tăng 27%, đất nền dự án và đất thổ cư tăng 20%. Tại Hà Nội, giá bất động sản từ quý 4/2018 tới quý 1/2019 tăng 2,4%.

So với 3 tháng đầu năm 2018, chỉ số quan tâm của người mua và đầu tư bất động sản tăng 5%; lượng tin đăng tăng 45%. So với cùng kỳ, chỉ số giá bất động sản tại Hà Nội tăng 2,4%.

Những chỉ số nêu trên cho thấy kinh tế Việt Nam đang tăng trưởng ổn định và có những tác động tích cực tới thị trường địa ốc tại thời điểm quý 1/2019.

Vốn FDI thúc đẩy bất động sản phát triển

vốn FDI vào bất động sản
Nguồn vốn FDI vào Việt Nam trở thành động lực thúc đẩy nhiều loại hình
bất động sản phát triển.

Cũng theo ông Quốc Anh, tổng vốn FDI vào Việt Nam tăng 86%. Sở dĩ nguồn vốn này tăng mạnh là nhờ thương vụ Beerco Limited mua lại công ty Vietnam Beverage (VietBev) với trị giá 3,85 tỷ USD. Vốn FDI tác động vào thị trường địa ốc ở ba góc độ.

Thứ nhất, vốn FDI rót vào xây dựng nhà máy, tác động tới bất động sản công nghiệp. Thứ hai, việc các doanh nghiệp mở rộng văn phòng ở Việt Nam sẽ tác động đến nhu cầu cho thuê văn phòng, nhà ở. Thứ ba, vốn FDI đầu tư trực tiếp vào bất động sản thương mại và thúc đẩy sự phát triển của phân khúc này.

Phó Tổng giám đốc Batdongsan.com.vn, ông Nguyễn Quốc Anh nhận định, lĩnh vực bất động sản tiếp tục là kênh đầu tư hiệu quả, thu hút mạnh dòng tiền đầu tư. Thế nhưng, bất động sản có nhiều biến động nhất so với các kênh đầu tư khác như ngoại tệ, chứng khoán và vàng.

Minh chứng là, trong vòng 16 năm, giá nhà tại quận 1 (Tp.HCM) tăng 22 lần; quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) tăng 27 lần. Trong khi đó, giá vàng chỉ tăng 5 lần. Câu hỏi đặt ra là, liệu giá nhà đã chạm tới điểm giới hạn chưa khi đạt mức tăng trưởng ấn tượng như vậy. Các nhà đầu tư nước ngoài cho rằng, giai đoạn này chỉ được mua và giữ lại chứ không nên bán bởi giá nhà tại Tp.HCM và Hà Nội chưa chạm đỉnh. Theo ông Quốc Anh, giá nhà tại Tp.HCM là 2.400 USD/m2, Hà Nội vào khoảng 2.000 USD/m2. So với các nước trong khu vực, mức giá này thấp hơn. Giá nhà tại Singapore là 16.000 USD/m2, Bangkok (Thái Lan) khoảng 4.900 USD/m2. Vậy nên, gái nhà tại Việt Nam vẫn còn có dư địa tăng giá cao trong tương lai. 

(Theo Enternews.vn)

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu