Savills cho biết, trong 2 năm qua, chỉ riêng thị trường địa ốc Tp.HCM đã có hàng nghìn giao dịch thành công với khách hàng ngoại. Trong năm 2017, tại một dự án ở quận 2 mở bán giai đoạn 2, hạn ngạch dành cho người nước ngoài đạt hơn 30% trong thời gian ngắn, thậm chí nhiều khách hàng ngoại không có suất mua.
Đánh giá về tình hình người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam trong vài năm gần đây, theo Giám đốc bộ phận Kinh doanh nhà ở, Savills Tp.HCM, ông Nguyễn Khánh Duy, từ năm 2015, những sửa đổi trong Luật nhà ở cho phép người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam được nhìn nhận đã chuyển biến rất khả quan trong chính sách. Các yêu cầu dành cho đối tượng này đã được quy định khá cụ thể và rõ ràng. Nhờ đó, đã tạo ra một nguồn cầu mới, hứa hẹn thúc đẩy sự phát triển của thị trường bất động sản Việt Nam.
Chuyên gia này đánh giá: "Việc cho người nước ngoài mua nhà sau khi nhập cảnh được kỳ vọng tạo ra yếu tố thuận lợi để thu hút, kích thích phát triển nhiều loại hình bất động sản như đầu tư, du lịch, dịch vụ. Điều này có lợi cho cả nền kinh tế, phù hợp thông lệ quốc tế và là một hình thức xuất khẩu bất động sản tại chỗ hiệu quả".
Ông Duy cho biết, sau gần 3 năm triển khai, các thủ tục pháp lý về việc sở hữu nhà đất Việt Nam dành cho người nước ngoài hiện đã nhận được phản hồi rất tích cực từ phía người mua lẫn người bán.
Trong 2 năm qua, chỉ riêng thị trường bất động sản Tp.HCM đã có hàng nghìn giao dịch thành công với khách hàng ngoại, Savills thông tin.
Trong khi người Việt đổ 3 tỷ đô mua nhà ở Mỹ thì người nước ngoài lại ồ ạt đổ tiền
vào bất động sản Việt Nam. (Ảnh minh họa)
Theo vị đại diện Savills, năm nay đã có rất nhiều dự án “chạm trần” sở hữu khách nước ngoài trong thời gian ngắn. Đơn cử, một dự án tọa lạc ở quận 2 mở bán giai đoạn 2 có hạn ngạch dành cho người nước ngoài đạt hơn 30%. Thậm chí, nhiều khách hàng nước ngoài còn không có suất mua căn hộ. Được biết, trong đợt mở bán này, khách hàng ngoại chủ yếu đến từ châu Á như Đài Loan, Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore và Hong Kong".
Ông Duy cho rằng, căn cứ trên đánh giá chung, các dự án nằm ở vị trí chiến lược như quận 1, quận 2, nhất là khu vực Thảo Điền, Thủ Thiêm có chủ đầu tư uy tín hiện nhận được sự quan tâm của đông đảo khách hàng ngoại. Tỷ lệ hấp thụ tại các dự án này rất khả quan. Thực tế cho thấy, các dự án thu hút khách mua quốc tế chủ yếu thuộc phân khúc cao cấp, kèm theo đó là những đòi hỏi về chất lượng công trình, dịch vụ tư vấn, bán hàng tương xứng và khả năng đầu tư, cho thuê lại.
Trước thực trạng giao dịch bất động sản thành công với khách hàng ngoại ngày càng gia tăng, chuyên gia của Savills cũng chỉ rõ những thuận lợi và khó khăn ảnh hưởng đến việc mua bất động sản của người nước ngoài tại Việt Nam.
Một là, việc giới hạn số lượng căn hộ cho phép người nước ngoài sở hữu rất quan trọng. Mục tiêu của việc này là nhằm giảm thiểu, ngăn chặn những ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế, xã hội nói chung. Để thắt chặt các thủ tục bán lại, tăng tính minh bạch của quy trình thực hiện các thủ tục giấy tờ, hành chính bất động sản, Thông tư 19/2016/TT-BXD hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở và Nghị định số 99/2015/NĐ-CP do Bộ Xây dựng ban hành quy định về số lượng căn hộ mà người nước ngoài được phép sở hữu.
Thế nhưng, việc điều chỉnh giới hạn phù hợp một số loại hình bất động sản ở vài khu vực có nhu cầu đặc biệt hơn như chung cư hạng A, bất động sản nghỉ dưỡng cũng là một hướng cân nhắc để tạo đòn bẩy thúc đẩy thị trường địa ốc Việt Nam phát triển. Hiện Việt Nam có khoảng trên 82.000 người nước ngoài sinh sống và làm việc, hơn 4 triệu kiều bào.
Hai là, sau vài năm Luật Nhà ở 2014 sửa đổi, thị trường nhà đất tại các thành phố lớn như Tp.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng thu hút sự quan tâm của người nước ngoài. Song, so với sự quan tâm và nhu cầu của khách hàng, số lượng sổ đỏ được cấp cho cá nhân, tổ chức nước ngoài mua nhà tại Việt Nam còn thấp.
Do đó, thay vì tập trung ở một vài khu vực trung tâm, quy trình cấp sổ đỏ cần được phổ biến rộng rãi hơn. Ngoài ra, những rào cản như việc người nước ngoài chưa nắm bắt rõ thủ tục pháp lý ở Việt Nam, công tác hành chính tại một số địa phương chưa quen thuộc với khách nước ngoài đều hạn chế việc cấp sổ đỏ cho khách hàng ngoại.
Theo ông Duy, nhà đầu tư ngoại nên làm việc qua đơn vị tư vấn quốc tế có mạng lưới văn phòng, chi nhánh ở nhiều quốc gia để tìm kiếm được dự án bất động sản phù hợp, đảm bảo các thắc mắc về pháp lý, thủ tục mua bán được giải đáp cụ thể nhất. Thậm chí, việc này còn không mất thêm chi phí. Mặt khác, để có được thông tin tư vấn chi tiết nhất, nhà đầu tư cũng nên hiểu rõ về ngân sách cũng như những yêu cầu cụ thể của bản thân dành cho các dự án mình quan tâm.
Năm 2017, người Việt đứng thứ 7 trong top 10 nước có công dân mua nhà ở Mỹ nhiều nhất, so với năm ngoái, con số này tăng 2 bậc, theo số liệu từ Hiệp hội Quốc gia chuyên viên địa ốc Hoa Kỳ (NAR) công bố ngày 18/7.
Người nước ngoài đã chi 153 tỷ USD để mua 284.455 căn nhà tại Mỹ. Đáng chú ý, số tiền của người Việt Nam chiếm 2%, tương đương 3,06 tỷ USD (xấp xỉ 70.000 tỷ đồng) bằng tổng số tiền người dân Nhật Bản, Đức và Venezuela đổ vào mua nhà đất tại Mỹ.
|