Hiện nay, khách thuê không có nhiều lựa chọn và không dễ dàng tìm được mặt bằng kinh doanh ưng ý khu trung tâm Hà Nội bởi nguồn cung luôn trong tình trạng khan hiếm. Khoảng 1 năm nay, trong khi giá thuê mặt bằng khu cận trung tâm không biến động thì giá thuê khu trung tâm tăng từ 5-10%.
Nguồn cung mặt bằng kinh doanh khu trung tâm khan hiếm
Để mở một cửa hàng vật liệu xây dựng sau Tết, anh Đỗ Văn Tuyên đã trả một mặt bằng kinh doanh ở phố Bùi Ngọc Dương (quận Hai Bà Trưng) và tìm một mặt bằng mới ở khu Ba Đình, Đống Đa rộng khoảng 40-50m2, tọa lạc trong khu dân cư đông đúc. Mặc dù yêu cầu anh Tuyên đặt ra không quá phức tạp nhưng hơn 1 tháng nay anh vẫn chưa tìm được mặt bằng nào ưng ý trong khi đã sử dụng rất nhiều kênh như nhờ người quen giới thiệu, thông qua môi giới...
Anh Tuyên cho hay, so với 3 năm trước, hiện nguồn cung mặt bằng kinh doanh khu trung tâm Hà Nội (các quận Đống Đa, Hai Bà Trưng, Ba Đình, Hoàn Kiếm) đang ngày càng trở nên khan hiếm. Theo khách thuê này: "Khoảng 3 năm trước, chỉ cần thông qua các văn phòng môi giới, tôi được giới thiệu khá nhiều mặt bằng để xem xét, lựa chọn. Thời điểm đó, gần như ngày nào môi giới cũng có hàng để giới thiệu. Nhưng đến thời điểm hiện tại, cả tuần nay tôi mới nhận được khoảng 3 lời đề nghị đi xem mặt bằng của môi giới."
Một môi giới mặt bằng, nhà riêng cho thuê tại Hà Nội, anh Vũ Ngọc Thành thừa nhận rằng, để tìm thuê một mặt bằng kinh doanh khu vực nội đô Hà Nội ngày một khó khăn hơn. Những yếu tố như cộng đồng cư dân đông, hạ tầng giao thông thuận lợi, tốc độ đô thị hóa cao khiến mặt bằng trống khu trung tâm luôn trong tình trạng khan hiếm.
Thực tế cho thấy, sau khi khách trả mặt bằng, chủ nhà chỉ cần treo biển, thậm chí "bắn" tiếng trước là có thể lấp đầy ngay mặt bằng trống, không cần nhờ tới môi giới. Môi giới mặt bằng bán lẻ vì thế không có nguồn hàng giới thiệu cho khách.
|
Việc tìm kiếm mặt bằng kinh doanh khu trung tâm Hà Nội ngày
càng khó khăn hơn. |
Trong những năm gần đây, các môi giới chuyên mặt bằng kinh doanh khu trung tâm cũ đã mở rộng phạm vi hoạt động ra các khu mới phát triển có nguồn cung dồi dào như Thanh Xuân, Hà Đông, Nam Từ Liêm và Cầu Giấy.
Nhân viên một văn phòng môi giới ở Cầu Giấy, chị Nguyễn Minh Thanh cho biết, so với các quận trung tâm cũ, nguồn cung mặt bằng bán lẻ tại những quận trung tâm mới luôn cao gấp khoảng 3 lần nhưng giá thuê lại thấp hơn từ 1,5-2 lần. Tuy vậy, chỉ khi không tìm được mặt bằng ưng ý ở khu trung tâm cũ thì khách thuê, nhất là khách ngành thực phẩm và dịch vụ ăn uống mới chọn mặt bằng ở quận trung tâm mới.
Là chủ một chuỗi cửa hàng ăn vặt, anh Minh Vương cho rằng, ngoài những lý do về cộng đồng dân cư đông đúc, hạ tầng tốt thì người dân khu trung tâm cũ thường chi trả cao hơn khiến mặt bằng nơi đây vẫn rất hút khách thuê. Anh Vương chia sẻ, anh có thể bán một suất chè với giá từ 25-35 nghìn đồng ở khu Ba Đình và Đống Đa. Thế nhưng, mức giá này lại khá đắt đỏ so với mặt bằng chung của khu vực Nghĩa Tân (Cầu Giấy) và khu Mễ Trì (Nam Từ Liêm)
Giá thuê mặt bằng nội đô tăng 5-10%
Theo khảo sát của phóng viên Batdongsan.com.vn, tại các quận trung tâm mới (Cầu Giấy, Nam Từ Liêm, Hà Đông), giá thuê mặt bằng kinh doanh gần như không tăng trong khoảng một năm gần đây. Vậy nhưng, mặt bằng khu trung tâm cũ tăng giá từ 5-10%.
Chẳng hạn, sau khi hết hạn hợp đồng cho thuê một năm, giá thuê mặt bằng kinh doanh trên phố Thái Hà (quận Đống Đa) được tăng lên mức 50 triệu đồng/tháng trong khi giá thuê trước đó là 45 triệu đồng/tháng. Mặt bằng kinh doanh trong ngõ khu vực Thái Hà cũng tăng giá thuê từ mức 10-12 triệu đồng/tháng lên khoảng 11-13 triệu đồng.
|
Khoảng 1 năm nay, giá thuê mặt bằng bán lẻ khu trung tâm cũ tại
Hà Nội tăng 5-10%. |
Vào năm 2017, một mặt bằng nhỏ trong ngõ Thái Thịnh (Đống Đa) có giá thuê 6 triệu đồng/tháng nay sau khi khách trả mặt bằng, chủ nhà tăng giá lên mức 8 triệu đồng mỗi tháng. Khi ký hợp đồng thuê mới, nhiều mặt bằng kinh doanh trên phố Thái Thịnh cũng tăng khoảng 10%, từ mức 15-17 triệu đồng/tháng lên 16-19 triệu đồng/tháng.
Mặt bằng giá mới cũng được thiết lập với nhiều cửa hàng kinh doanh ở khu vực Tôn Thất Tùng (Đống Đa). Tại phố lớn, giá thuê mặt bằng tăng lên 20-25 triệu đồng/tháng từ mức 18-23 triệu đồng/tháng. Một số mặt bằng trong ngõ nhỏ cũng tăng giá thuê lên 11-15 triệu đồng/tháng từ mức 10-13 triệu đồng trước đó.
Giá thuê mặt bằng bán lẻ tại các phố lớn thuộc quận Ba Đình như Liễu Giai, Giảng Võ, Trần Huy Liệu, Kim Mã... trong 1 năm qua nhìn chung không có biến động với mức giá phổ biến từ 15-40 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, cũng tại các tuyến phố này, giá thuê những mặt bằng kinh doanh được trong ngõ tăng khoảng 10%, từ mức 8-10 triệu đồng/tháng lên 9-11 triệu đồng mỗi tháng.
Giá thuê mặt bằng khu vực Kim Mã lại giảm khoảng 10%, từ mức 10-15 triệu đồng/tháng xuống khoảng 8-13 triệu đồng/tháng do đoạn này đang bị rào chắn phục vụ thi công nhà ga ngầm dự án đường sắt đô thị Hà Nội đoạn Nhổn - ga Hà Nội.
Giá thuê mặt bằng kinh doanh lớn trên các phố Trần Hưng Đạo, Đinh Tiên Hoàng, Hai Bà Trưng (Hoàn Kiếm) tăng nhẹ khoảng 5%,lên 85-90 triệu đồng/tháng từ mức 80-85 triệu đồng/tháng. Mặt bằng trong ngõ nhỏ khu vực này cũng tăng giá 5-7%, lên mức 9,5-13 triệu đồng trong khi giá thuê trước đó là 9-12 triệu đồng.