Vì lý do nào đó nên nhiều người đã nhờ người đứng tên mua nhà đất. Tuy nhiên, việc làm này có thể khiến người mua gặp những rủi ro không thể ngờ tới, thậm chí là rơi vào cảnh tiền mất tật mang.
Tình cảnh trớ trêu
Năm 2015, vợ chồng chị Hồng Anh (quê ở miền Trung vào Sài Gòn lập nghiệp) có nhờ người em ruột đứng tên mua mảnh đất tại miền Tây với giá 700 triệu đồng. Đến năm 2017, anh chị lại tiếp tục nhờ người em này đứng ra làm giấy tờ, thủ tục để xây ngôi nhà cấp 4 trên đất với mục đích cho thuê và sau này sẽ chuyển về sinh sống.
Tuy nhiên, tai nạn bất ngờ ập đến, em trai chị Hồng Anh không may qua đời sau một cơn tai biến mà chưa kịp làm thủ tục giao lại toàn bộ tài sản cho vợ chồng anh chị. Khi lo xong chuyện hậu sự cho em trai, chị Hồng Anh đến gặp em dâu để trao đổi về chuyện nhà đất của mình. Ban đầu người này còn biện lý do bận lo hậu sự cho chồng và đang lúc buồn đau nên không muốn bàn đến bất kỳ chuyện gì. Nhưng một thời gian sau, chị bất ngờ khi được người thuê nhà thông báo sẽ chuyển tiền thuê vào tài khoản của em dâu chứ không phải của chị. Lúc này chị mới gặp em dâu để hỏi rõ ngọn ngành sự việc thì cô ta trả lời một cách trơ trẽn rằng, tài sản đó đứng tên chồng cô, do vậy nó cũng là tài sản của mẹ con cô.
|
Nhờ người đứng tên mua nhà đất tiềm ẩn rất nhiều rủi ro, thậm chí là mất trắng tài sản tích cóp cả đời. |
Chị Hồng Anh đã nhiều lần thương thuyết với em dâu để lấy lại tài sản của mình nhưng không được. Nếu kiện ra pháp luật cũng không xong, bởi khi nhờ người em đứng tên thực hiện giao dịch mua đất và xây nhà, hai người vì tin tưởng tình thân nên đã không làm bất kỳ giấy tờ nào để chứng minh sự việc. Khoản tiền chị đưa cho em mua bất động sản cũng là tiền mặt nên không có chứng cứ về hoạt động chuyển tiền cho người em để thực hiện việc mua bán đất.
Lúc này, chị chỉ biết đau đớn nhìn người dưng cướp trắng tài sản mà hai vợ chồng đã tích cóp trong suốt bao năm trời đi làm ăn tha hương.
Cũng nhờ người quen đứng tên mua một căn nhà ở TP.HCM với mục đích sau này chuyển lên sinh sống, bà Thu Phương (ngụ tại tỉnh Tiền Giang) đã mất trắng tài sản này khi hai người xảy ra mâu thuẫn. Bà kể: "Tôi có nhờ người em mua một ngôi nhà ở TP.HCM, khi hai người hòa thuận thì mọi chuyện đều rất suôn sẻ. Nhưng đến khi tôi có việc cần bán nhà thì người em thông báo tài sản đó đã không còn". Sự việc đau lòng này khiến bà Phương nhận ra một điều rằng việc nhờ người đứng tên mua nhà tiềm ẩn rất nhiều rủi ro, mà rủi ro nguy hiểm nhất là mất trắng tài sản đã tích cóp bằng mồ hôi, nước mắt trong suốt bao năm trời.
Những rủi ro khó lường
Theo các chuyên gia, khi nhờ người khác đứng tên mua hộ bất động sản, người chủ thực sự có thể sẽ gặp phải những rủi ro phổ biến dưới đây:
- Không có quyền định đoạt bất động sản đó, dù nó là tài sản được tạo lập bằng chính nguồn tiền của mình, mà phải thông qua người đứng tên. Lúc này, người nhờ đứng tên mua nhà đất hộ sẽ rất dễ rơi vào tình cảnh bị chiếm đoạt tài sản một cách trắng trợn.
- Người đứng tên trên sổ đỏ đột ngột qua đời, bất động sản đó sẽ trở thành di sản của người đã chết nên sẽ được chia thừa kế theo quy định của pháp luật hiện hành. Vì tham lợi nhuận nên những người thừa kế dù biết rõ hay không biết về nguồn gốc của tài sản là nhờ đứng tên hộ thì họ vẫn không chịu thừa nhận sự thật này.
- Người đứng tên hộ nhà đất ly hôn trong khi vẫn chưa đổi quyền sở hữu sang cho chủ thực sự và người chồng/vợ yêu cầu chia tài sản chung phát sinh trong thời kỳ hôn nhân thì bất động sản của người nhờ đứng tên đương nhiên sẽ bị chia đôi.
- Người đứng tên hộ bất động sản có một nghĩa vụ tài sản với một người thứ ba, mà tài sản đó bị kê biên để thực hiện nghĩa vụ… Lúc này, người chủ thực sự của tài sản đó sẽ khó được đảm bảo quyền lợi hoàn toàn, thậm chí còn có thể bị mất quyền chủ sở hữu nhà đất do mình bỏ tiền ra tậu.
Hành vi nhờ người đứng tên hộ giấy tờ nhà đất là không đúng với luật định hiện hành. Bởi, theo quy định tại khoản 16 điều 3 Luật đất đai năm 2013: “Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là chứng thư pháp lý để Nhà nước xác nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất hợp pháp của người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và quyền sở hữu tài sản khác gắn liền với đất”.
Do đó, dù người được nhờ đứng tên hộ không phải là chủ sở hữu thực sự của bất động sản nhưng vẫn được nhà nước công nhận về mặt pháp luật vì họ chính là người đứng tên trên giấy chứng quyền sử dụng/sở hữu tài sản đó.
Điều này cũng đồng nghĩa với việc người nhờ đứng tên hộ sẽ bị mất trắng tài sản nếu không chứng minh được mình là chủ sở hữu thực sự của nhà đất. Và nếu có chứng minh được thì người nhờ đứng tên hộ cũng phải chịu nhiều thiệt hại về thời gian, tiền bạc do có tranh chấp xảy ra.
Lời khuyên dành cho người nhờ đứng tên mua nhà đất
Theo Luật sư Trần Thái Bình (Công ty luật LNT & Thành viên), để tránh những rủi ro khi nhờ người đứng tên mua nhà đất thì người nhờ đứng tên nên lưu ý một số nội dung như sau:
- Phải đưa ra nội dung thỏa thuận rõ ràng đối với người được nhờ đứng tên hộ. Tốt nhất là nên soạn thảo các nội dung thỏa thuận giữa hai bên thành văn bản và đến văn phòng công chứng để chứng thực. Lúc này, người công chứng viên có thể góp ý thêm một số nội dung cho hợp pháp để văn bản không bị vô hiệu hóa trước pháp luật.
- Giữ toàn bộ giấy tờ đăng ký sở hữu tài sản sau khi đã hoàn tất quá trình giao dịch mua bán.
- Cần lưu lại những bằng chứng chứng minh việc nhờ người đứng tên hộ như: các hóa đơn, chứng từ chứng minh mình là chủ sở hữu thực sự của bất động sản, xác nhận giao dịch chuyển tiền của ngân hàng, ghi âm cuộc trò chuyện giữa hai bên...
- Nếu nhận thấy bên được nhờ đứng tên hộ có dấu hiệu muốn chiếm đoạt nhà, đất, cần làm ngay đơn gửi ngay đến cơ quan chức năng có thẩm quyền để có biện pháp xử lý kịp thời.
Thanh Hà (TH)