Với hàng loạt cú hích về chính sách và hạ tầng đã và đang giúp bất động sản (BĐS) khu Đông cạnh tranh gay gắt với khu vực phía Nam Sài Gòn.
Gần đây, các nhà đầu tư địa ốc có xu hướng chuyển dịch sang khu Đông
Tp.HCM (ảnh minh họa)
Nếu như trước đây, phía Nam Tp.HCM với hạt nhân là khu đô thị Phú Mỹ Hưng được xem là đích đến lý tưởng của nhiều nhà đầu tư, thì thời gian gần đây đã có sự dịch chuyển mạnh mẽ sang khu vực phía Đông với tâm điểm phát triển là quận 2, 9 và quận Thủ Đức.
Trên thực tế, đã có nhiều dự án BĐS dồn về khu Đông để đón đầu lợi thế hạ tầng. Có thể nói, đây là lần đầu tiên khu Đông Sài Gòn trở thành điểm nóng của giới đầu tư BĐS.
Thị trường căn hộ ồ ạt bung hàng
Trong 7 tháng đầu năm 2015, các chủ đầu tư phân khúc căn hộ ồ ạt bung ra thị trường hàng chục ngàn căn hộ.
Vào ngày 25/7/2015, chủ đầu tư Vingroup giới thiệu ra thị trường dự án Lanmark 81 cao 81 tầng với hàng ngàn căn hộ cao cấp tại khu Tân Cảng thuộc quận Bình Thạnh.
Bên cạnh đó, Novaland tung ra thị trường dự án Sun Avenue với hơn 1.400 căn hộ và các dự án Masteri, khu đô thị Xa La cũng góp phần làm gia tăng đột biến nguồn cung căn hộ tại khu vực phía Đông Tp.HCM.
Mặt khác, trong quý II vừa qua, thị trường đất nền và nhà liền kề cũng trở nên nóng hơn cùng chuyển động của thị trường.
Vào cuối tháng 6/2015, Sacomreal đã công bố ra thị trường dự án biệt thự nghỉ dưỡng ven sông Jamona Home Resort tại quận Thủ Đức với 238 biệt thự có giá từ 2 tỷ đồng. Được biết, đây là dự án nghỉ dưỡng đầu tiên được giới thiệu tại TP này.
Chủ đầu tư cho biết, tuy mới công bố nhưng gần 200 sản phẩm tại dự án đã được bán hết. Trong đó, có một đại gia chi gần 100 tỷ đồng mua 24 nền đất tại dự án để xây dinh thự.
Dự án nhà liền kề Mega Village của Địa Ốc Khang Điền ở ngay cạnh dự án Jamona Home Resort cũng chứng tỏ được sức nóng, trong đợt mở bán đầu tiên đã có hơn 100 căn nhà phố xây sẵn đã được bán hết trong thời gian ngắn chưa đầy 1 tháng.
Cú hích chính sách và hạ tầng
Thực tế cho thấy, nguyên nhân đầu tiên tạo ra sự bùng nổ cho thị trường BĐS Tp.HCM nói chung và thị trường địa ốc khu Đông nói riêng khởi nguồn từ việc thay đổi các chính sách của Nhà nước.
Các luật mới được ban hành, với các quy định tích cực, hành lang pháp lý minh bạch, hỗ trợ từ hệ thống ngân hàng đã giúp thị trường từng bước vượt qua khó khăn. Nhất là, những chính sách sửa đổi có hiệu lực từ ngày 1/7/2015, quy định cho phép Việt kiều và người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam hứa hẹn một chu kỳ mới tươi sáng hơn cho thị trường BĐS.
Hàng loạt đại gia địa ốc đã tiên phong đón đầu đối tượng khách hàng đầy tiềm năng ngay sau khi quy định cho phép người nước ngoài được mua nhà tại Việt Nam có hiệu lực.
Điển hình như, trong ngày mở bán đầu tiên 112 căn hộ thuộc dự án Vinhome Centre Park đã được các khách hàng là Việt kiều tiêu thụ. Đơn vị Novaland cũng nhanh tay triển khai chương trình đón Việt kiều. Hay Sacomreal cũng dành 10% dự án Jamona Home Resort để tiếp cận đối tượng các chuyên gia nước ngoài đang làm việc tại khu công nghệ cao quận 9 và khu Phú Mỹ Hưng.
Cùng với những đòn bẩy về chính sách thì sự phát triển đột phá về hạ tầng cũng là một yếu tố then chốt trong sự bùng nổ mạnh mẽ của BĐS khu Đông Sài Gòn.
Khu Đông Tp.HCM đã có tổng cộng 11 dự án hạ tầng lớn nhỏ trong giai đoạn 2012-2020, tổng kinh phí đầu tư lên đến gần 250.000 tỉ đồng. Trong đó nổi bật là các tuyến vành đai 2, 3, 4 và tuyến Metro Bến Thành - Suối Tiên. Đặc biệt, tuyến metro có thể xem là dự án quyết định sự thắng thua của các dự án BĐS.
Kết quả khảo sát cho thấy, trong những tháng đầu năm 2015, đa số các dự án xung quanh tuyến metro đều có mức tăng giá khoảng 10 -15%, có dự án tăng giá tới 45% trên thị trường thứ cấp.
Phải nói rằng, tuyến metro được xem như “lộc trời cho” đối với các chủ đầu tư sở hữu quỹ đất tại khu vực này.