Tốc độ hồi phục của thị trường, nhất là thông tin về việc năm 2019 khởi công Cảng hàng không Quốc tế Long Thành được cho là "cơn gió lành" tạo động lực cho sự trở lại của BĐS Đồng Nai. Đáng chú ý là, sự săn đón của các nhà đầu tư ở phân khúc đất nền nhằm đón đầu sự phát triển của hạ tầng.
Hạ tầng mở lối
Đồng Nai từng được đánh giá là thị trường tiềm năng bậc nhất ở khu vực phía Đông Tp.HCM với hàng trăm dự án lớn nhỏ rải rác từ Nhơn Trạch, Long Thành đến Biên Hòa. Tuy nhiên, cùng với “cơn bạo bệnh” của thị trường nhà đất, BĐS Đồng Nai cũng rơi vào trạng thái "ngủ đông" với hàng loạt dự án có số vốn đăng ký lên đến vài trăm triệu USD. Thế nhưng, trong mấy năm gần đây, thị trường BĐS Đồng Nai đang cho thấy dấu hiệu của sự hồi phục mạnh mẽ khi thanh khoản và giá bắt đầu rục rịch tăng trở lại, đặc biệt là sự săn đón của các nhà đầu tư ở phân khúc đất nền nhằm đón đầu sự phát triển của hạ tầng.
Tại Đồng Nai, hạ tầng tại nhiều dự án BĐS gần như đã hoàn thiện.
(Nguồn ảnh: Việt Tâm).
Sau khi dự án Cảng hàng không Quốc tế Long Thành được Quốc hội chính thức thông qua, không ít nhà đầu tư đã ráo riết săn đất tại các dự quanh khu vực được định vị sẽ xây dựng sân bay, đẩy giá đất tăng lên khá mạnh. Vào ngày 9/7 vừa qua, khi làm việc với tỉnh Đồng Nai, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã chỉ đạo quyết liệt xây dựng cơ chế đặc thù, rút ngắn thời gian chuẩn bị, chậm nhất năm 2019 phải khởi công xây dựng Cảng hàng không Quốc tế Long Thành. Giới chuyên gia cho rằng, đây đồng thời cũng là động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của thị trường BĐS Đồng Nai trong tương lai gần.
Trước đây, các sản phẩm BĐS tại Đồng Nai chủ yếu tập trung vào đất nền, công nghiệp thì giờ đây các khu dân cư, khu đô thị, resort, khách sạn cao cấp, trung tâm thương mại, sân golf… bắt đầu nảy nở. |
UBND Tp.HCM trước đó cũng đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương bổ sung quy hoạch xây dựng cầu thay thế phà Cát Lái trong quy hoạch phát triển giao thông vận tải TP đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020. Cầu Cát Lái kết nối quận 2 với huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai). Người dân Tp.HCM, Đồng Nai cũng như giới kinh doanh BĐS đặc biệt quan tâm thông tin này, bởi khi cầu Cái Lái được xây dựng hoàn thiện, khoảng cách giữa hai khu vực sẽ được kéo gần, giao thông sẽ trở nên thuận lợi hơn rất nhiều.
Loạt dự án triệu đô khởi động
Sở Kế hoạch - Đầu tư tỉnh Đồng Nai cho biết, trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng hơn 200 dự án BĐS lớn nhỏ, gần 10 dự án trong đó có vốn đầu tư từ vài trăm triệu USD trở lên. Chẳng hạn như, Khu đô thị Waterfront với tổng vốn đầu tư theo đăng ký lên tới 750 triệu USD với quy mô gần 367 ha. Được biết, dự án này được cấp Giấy chứng nhận đầu tư vào tháng 4/2008 thuộc Khu đô thị Kinh tế mở Long Hưng, Biên Hòa, chủ đầu tư đã hoàn tất công tác bồi thường giải phóng mặt bằng và đang tiến hành xây dựng hạ tầng.
Bên cạnh đó còn có các dự án như Khu đô thị Aqua City có diện tích khoảng 305 ha, tổng vốn đầu tư 519 triệu, Khu đô thị mới Đông Sài Gòn, dự án Hoa Sen Đại Phước ở xã Đại Phước, Khu đô thị mới Nhơn Trạch, Khu đô thị mới Phước An, Khu dân cư xã Vĩnh Thanh, Sunflower City, khu dân cư thương mại xã Long Tân - Phú Hội (Nhơn Trạch)…
Các chuyên gia phân tích doanh nghiệp tại Công ty chứng khoán FPTS cho rằng, sự xuất hiện của Cảng hàng không Quốc tế Long Thành đang giúp thị trường BĐS Đồng Nai chuyển biến tích cực hơn. Mặt khác, do Đồng Nai có vị thế tiếp giáp Bình Dương, Tp.HCM và là cửa ngõ tiến ra biển nên được hỗ trợ nhiều về cơ sở hạ tầng theo định hướng phát triển về phía Đông của Tp.HCM. Đây là những lý do chính làm sôi động thị trường địa ốc Đồng Nai thời gian qua.
Song, theo chuyên viên tư vấn đầu tư Ngô Quang Thắng, không phải doanh nghiệp nào nắm giữ quỹ đất gần sân bay cũng sẽ thành công bởi sự thành công của mỗi dự án BĐS phụ thuộc rất lớn vào năng lực triển khai của từng chủ đầu tư. Vậy nên, để an toàn, nhà đầu tư cần đánh giá kỹ từng doanh nghiệp và cân nhắc tác động của dự án trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đó trước khi ra quyết định đầu tư.