Thị trường BĐS Hà Nội phân hóa mạnh

  08/06/2016 - 07:39

Tại thị trường BĐS Hà Nội, trong khi một số dự án diễn ra tình trạng xếp hàng mua căn hộ hoặc giá chênh được đẩy lên cao thì ở một số nơi, kể từ quý II thanh khoản đã giảm mạnh.

Vừa qua, trong đợt mở bán của một dự án tại Văn Giang, Hưng Yên, nhiều người bất ngờ khi chứng kiến cảnh khách đến xếp hàng từ một ngày trước để có cơ hội mua. Đợt mở bán trước đó cũng của dự án hồi đầu năm, lượng khách đăng ký mua cũng lớn hơn nhiều lần so với số căn đã khiến đơn vị này phải tổ chức bốc thăm quyền mua.

Sau hơn 1 tháng, đơn vị đã bán toàn bộ 2.000 căn hộ tại dự án này. Sau đó, những suất mua đi bán lại tại đây đã có giá chênh dao động từ vài chục đến hàng trăm triệu đồng mỗi căn, theo thông tin từ chủ đầu tư.

Ở một dự án khác chủ yếu tập trung vào nhóm căn hộ diện tích nhỏ ở khu vực Mỹ Đình (Nam Từ Liêm) cũng có giao dịch khá tốt kể từ khi được tung ra thị trường vào đầu năm. Đại diện chủ đầu tư cho hay: "Hiện chúng tôi không còn căn hộ nhỏ để bán mặc dù nhiều khách hàng vẫn tìm kiếm sản phẩm này".

BĐS Hà Nội
Thị trường BĐS Hà Nội đang phân hóa mạnh, tại một số dự án, người xếp hàng chờ
 mua sản phẩm nhưng cũng có dự án không giao dịch được.

Mở bán từ đầu năm 2016, một số dự án BĐS tại Mỹ Đình (Nam Từ Liêm), Nguyễn Tuân, Nguyễn Huy Tưởng (Thanh Xuân)... vẫn đang ghi nhận mức độ thanh khoản khá tốt. Đồng thời, các căn hộ hầu hết xuất hiện giá chênh ngay khi tung ra thị trường.

Vậy nhưng, tình trạng này chỉ diễn ra ở một vài dự án có tiến độ xây dựng đảm bảo, chủ đầu tư uy tín và đặc biệt là đối với các căn hộ có diện tích nhỏ từ 45-65m2, mức giá từ 700 triệu đến 1,6 tỷ đồng.

Trái ngược với xu hướng tại các dự án nói trên, hiện nay trên thị trường, đa số các dự án có giao dịch chững lại kể từ đầu quý II. Do thanh khoản thấp nên một số chủ đầu tư còn dừng các kế hoạch quảng cáo, marketing.

Giám đốc sàn BĐS Nhà đất 24h, ông Nguyễn Ngọc Quỳnh thừa nhận, nhìn chung giao dịch trên thị trường BĐS gần đây chậm hơn đáng kể so với quý I và cuối năm ngoái. Ông cho rằng, nguyên nhân của tình trạng này gồm cả từ chính sách lẫn yếu tố thị trường.

Theo ông Quỳnh: "Việc dừng ký hợp đồng mới với gói tín dụng 30 nghìn tỷ đồng và Thông tư 36 về siết tín dụng BĐS đều tác động không nhỏ. Thông thường, thời điểm quý II hàng năm, thanh khoản BĐS thường vẫn thường sụt giảm sau đó sẽ tăng tốc vào khoảng cuối quý III".

Tuy nhiên, vẫn có những dự án ghi nhận tốc độ bán hàng khá tốt do các ưu điểm về tiến độ, hạ tầng, nhất là đưa ra những sản phẩm tốt, phù hợp với nhu cầu thị trường. Mỗi căn hộ có giá ở khoảng trên dưới 1 tỷ đồng.

Vị giám đốc nhận định: "Gần đây, các dự án bán hàng tốt chủ yếu có diện tích nhỏ, trong khoảng 40-60m2, phù hợp cho thuê hoặc những gia đình nhỏ,  cá nhân trẻ thành đạt. Tuy mức giá không quá cao nhưng được chủ đầu tư chú trọng về thiết kế, hạ tầng, nội thất, tiện ích tốt... Quan trọng là họ cho ra mắt các sản phẩm tốt và đánh trúng nhóm khách hàng cũng như tâm lý thị trường".

Trong khi đó, theo Giám đốc Sàn BĐS Phúc Hà, ông Lại Văn Tư, những chính sách vĩ mô trong thời gian gần đây khiến thanh khoản BĐS chững lại, một số dự án thậm chí không có giao dịch. Song, tình trạng 'sốt' vẫn diễn ra ở một số dự án cho thấy rõ bức trảnh thị trường đang thiếu những phân khúc nào, người mua nhà đang cần gì ở các chủ đầu tư.

Ông Tư cho hay, những khách hàng mua nhà thời gian gần đây đa số để phục vụ nhu cầu ở thực và là người trẻ tuổi. Vì thế, họ cũng khá khắt khe và thực dụng trong việc lựa chọn sản phẩm căn hộ. Đó là những căn hộ đủ để ở và sinh hoạt cho những gia đình nhỏ nhưng phải tiện nghi, có hạ tầng tốt. Nếu không phải để ở thì họ cũng có thể đầu tư và dễ dàng cho thuê lại.

(Theo Vnexpress)

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu