Trên bảng xếp hạng, London, Hong Kong và Paris chiếm 3 vị trí đầu tiên. Trong số 10 thành phố hấp dẫn nhất đối với ngành bán lẻ cao cấp có đến 7 thành phố thuộc khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.
Báo cáo của JLL cho hay, các thành phố thuộc khu vực Châu Á - Thái Bình Dương là những địa điểm thu hút nhất để các nhà bán lẻ cao cấp thiết lập các cửa hàng, khu vực này có thể tự hào khi có tới 7 thành phố nằm trong top.
Hong Kong là thành phố nổi tiếng thứ hai chỉ sau London, báo cáo trên cho biết.
Đây là lần đầu tiên khảo sát đưa ra bảng xếp hạng toàn cầu dựa trên sức hấp dẫn của các thành phố đối với các nhà bán lẻ toàn cầu.
Các thành phố khác thuộc top 10 gồm có Tokyo, Singapore, Thượng Hải, Osaka, Bắc Kinh và Đài Bắc.
London đứng đầu top 10 khu vực thu hút các nhà bán lẻ cao cấp toàn cầu năm 2016.
Theo Giám đốc bán lẻ JLL khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, James Assersohn: “Hong Kong vẫn là địa điểm mua sắm sang trọng hàng đầu Châu Á và được nhiều nhà bán lẻ sử dụng như bàn đạp để mở rộng hoạt động vào Trung Quốc Đại Lục”.
Tuy doanh thu của thành phố trong phân khúc cao cấp có sự sụt giảm rõ rệt dưới tác động của nền kinh tế Trung Quốc đang phát triển chậm lại và chính phủ phát động phong trào chống tham nhũng nhưng Hong Kong vẫn tiếp tục thu hút nhiều du khách Trung Quốc có mức chi tiêu cao.
Assersohn lý giải: "Sự thống trị của các thành phố Châu Á trên bảng xếp hạng chứng tỏ sức hút của khu vực này đối với các nhà bán lẻ, chủ yếu nhờ tầng lớp trung lưu bùng nổ và mức sống tăng lên”.
Thủ đô Tokyo của Nhật Bản với vị trí thứ 4 vừa chứng kiến sự phục hồi về nhu cầu của các nhà bán lẻ cao cấp đối với bất động sản chất lượng cao, là kết quả từ việc cải thiện môi trường kinh tế và sự gia tăng số lượng khách du lịch.
Đồng Yên mất giá gần 30% từ năm 2012 đã khiến Nhật Bản trở thành nam châm thu hút du lịch để mua sắm trên khắp khu vực. Trong năm 2015, khách quốc tế đến Nhật Bản tăng 47% so với năm trước với phần lớn khách đến từ Trung Quốc Đại Lục. Mặt khác, đồng Yên yếu đi cũng khích lệ người dân Nhật Bản chi tiêu cho các sản phẩm cao cấp tại nước nhà.
Thượng Hải với vị trí thứ 6 trên bảng xếp hạng đang nhanh chóng bắt nhịp với Hong Kong để trở thành một trong những địa điểm bán lẻ cao cấp hàng đầu khu vực Châu Á và tiếp tục duy trì là địa điểm mua sắm hàng đầu của Trung Quốc đại lục.
Chuyên gia của JLL cho biết: “Nhờ vào nền kinh tế đa dạng và sự giàu có của người tiêu dùng, thành phố Thượng Hải đã trở thành địa điểm ưa chuộng của các thương hiệu quốc tế để kiểm nghiệm thị trường Trung Quốc và tăng cường quảng bá thương hiệu, có cả Hong Kong trong tiến trình thực hiện.
Hoạt động của phân khúc cao cấp không chỉ phụ thuộc vào tốc độ phát triển kinh tế mà còn phụ thuộc vào các yếu tố như lượng khách du lịch và cả sự gia tăng số lượng các gia đình có thu nhập cao.
Assersohn nhận định, với dự báo về sự gia tăng mạnh mẽ của số hộ gia đình có thu nhập cao tại các thành phố châu Á trong vòng 15 năm tới đồng nghĩa với việc Châu Á sẽ tiếp tục dẫn đầu về sự gia tăng tiêu dùng cao cấp cả bên trong và bên ngoài khu vực.