Trong buổi tọa đàm “Thực hiện quy định bảo lãnh ngân hàng, bảo vệ quyền lợi người mua nhà hình thành trong tương lai” do Hiệp hội Bất động sản Tp.HCM phối hợp với Ngân hàng Nhà nước - chi nhánh Tp.HCM tổ chức cuối tháng 6/2015, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà Nước chi nhánh Tp.HCM ông Nguyễn Hoàng Minh cho biết, từ nay đến cuối tháng 9/2015, ngành ngân hàng TP phải kéo nợ xấu trong lĩnh vực bất động sản (BĐS) từ hơn 5% xuống dưới 3%.
Theo ông Nguyễn Hoàng Minh, tín dụng BĐS chiếm 12,7%-13% tổng dư nợ ngành ngân hàng Tp.HCM (tính đến thời điểm cuối tháng 6/2015). Do bị liệt kê vào nhóm tín dụng phi sản xuất nên tín dụng BĐS giai đoạn 2011 - 2012 giảm 3% so với 2010 và so với năm 2009 giảm 10%; chiếm dưới 10% tổng dư nợ ngành ngân hàng Tp.HCM.
Bắt đầu từ tháng 4 năm ngoái, tín dụng BĐS đã tăng trở lại, với tỷ lệ khoảng 12,5% - 12,7%, hiện nay khoảng 13%. Theo đó, tổng dư nợ của hệ thống ngân hàng ở Tp.HCM chiếm khoảng 33% tổng dư nợ cả nước.
Tín dụng BĐS ở TP bình quân hằng năm tăng 10-11%/năm, kể từ năm 2012. Dư nợ tín dụng BĐS trên địa bàn Tp.HCM hiện chiếm khoảng 50% tổng dư nợ BĐS cả nước.
Tại Tp.HCM, nợ xấu trong lĩnh vực BĐS khá cao, cụ thể chiếm khoảng 5%. Hiện nợ xấu BĐS giảm dần bởi thời gian gần đây thị trường BĐS có những tín hiệu hồi phục tích cực. Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Tp.HCM cho rằng, nợ xấu trong lĩnh vực BĐS ở TP có khả năng sẽ giảm xuống dưới 3% vào cuối tháng 9 năm nay.
Các ngân hàng tại Tp.HCM có khoảng 53.000 tỷ đồng nợ xấu, tức chiếm 5,2% trong tổng dư nợ. Đến cuối tháng 9/2015, ngành ngân hàng TP phải xử lý được 25.000 tỷ đồng để đảm bảo đưa nợ xấu trong lĩnh vực này về dưới 3%.
Cụ thể, từ nay đến cuối tháng 9, các ngân hàng thương mại tự xử lý 3.000 tỷ đồng nợ xấu và bán nợ xấu cho VAMC là 22.000 tỷ đồng. Một khi nợ xấu giảm, nhiều doanh nghiệp BĐS sẽ có cơ hội tiếp cận vay vốn ngân hàng.
Biểu đồ Tỷ lệ dư nợ cho vay BĐS tại Tp.HCM
Tuy các doanh nghiệp đang lỗ, tuy nhiên nếu có phương án kinh doanh khả thi các doanh nghiệp vẫn có thể tiếp cận được vốn. Nhưng với các doanh nghiệp có nợ xấu sẽ rất khó để tiếp cận được vốn.
Theo ông Minh, tại Tp.HCM, thời gian vừa qua, phần lớn các dự án BĐS đều có vay vốn ngân hàng. Kết quả thống kê dư nợ BĐS ở Tp.HCM cho biết, xây dựng văn phòng cao ốc cho thuê chiếm 18,29%; các dự án xây dựng trong khu đô thị chiếm 23%; xây dựng sửa chữa, mua nhà để ở cho thuê chiếm hơn 18%; đầu tư kinh doanh bất động sản chiếm 20,5%; xây dựng sử dụng để bán cho thuê chiếm hơn 12%.