Tại Việt Nam, bất động sản là ngành có tốc độ phát triển tốt và có đóng góp rất lớn cho sự tăng trưởng chung của toàn nền kinh tế. Tuy vậy đây cũng là ngành tiềm ẩn không ít rủi ro.
Ngân hàng HSBC mới đây vừa công bố một báo cáo cho thấy, từ năm 2013, hoạt động kinh doanh bất động sản có đóng góp rất tích cực vào tăng trưởng GDP và chiếm khoảng 5% GDP quốc gia. Tuy nhiên do mô hình kinh tế của Việt Nam vẫn chủ yếu dựa vào tăng trưởng tín dụng để thúc đẩy hoạt động kinh doanh và tiêu dùng nên Việt Nam không được lơ là với rủi ro tín dụng bất động sản. Năm nay mục tiêu tăng trưởng tín dụng mà Ngân hàng nhà nước đặt ra là 17%, trong khi đó tỷ lệ này trong năm 2017 là 18,17%.
Ngân hàng HSBC khuyến cáo, với đà tăng trưởng như hiện tại,Việt Nam cần
hết sức cảnh giác với rủi ro tín dụng bất động sản. Ảnh minh họa
HSBC đưa dẫn chứng, thị trường bất động sản vào giai đoạn cuối những năm 2000 có sự tăng trưởng vượt bậc có nguyên nhân một phần là do đầu cơ. Điều này đã khiến "bong bóng" bất động sản hình thành và đổ vỡ vào năm 2011. Cũng từ đó, các khoản nợ xấu bùng nổ, tác động tiêu cực đến sự phát triển của các ngân hàng cũng như tăng trưởng chung của nền kinh tế. Còn hiện nay, với tốc độ tăng trưởng đang diễn ra, HSBC cũng khuyến cáo Việt Nam phải thật cảnh giác với thị trường bất động sản.
Ngân hàng này đánh giá, sau khi Ngân hàng nhà nước ban hành các chính sách siết cho vay, thị trường bất động sản Việt Nam đang có xu hướng phát triển khá ổn định. Trước đó, Ngân hàng nhà nước từng ra Thông tư 06 với hệ số rủi ro tín dụng bất động sản được nâng từ mức 150% lên 200% số dư của ngân hàng bắt đầu từ năm 2017. Bên cạnh đó, tỷ lệ tối đa nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn của các ngân hàng thương mại cũng giảm từ mức 60% về 50% trong năm 2017 và theo lộ trình này, trong năm 2018 sẽ giảm về mức 40%. Nội dung điều chỉnh này được cho là sẽ giúp tín dụng ngân hàng chuyển hướng sang những lĩnh vực hiệu quả hơn, trong đó bao gồm giao thông và viễn thông.
Lộ trình điều chỉnh trong Thông tư 06 do Ngân hàng nhà nước ban hành được kỳ vọng
sẽ chuyển hướng tín dụng thay vì chỉ chảy vào bất động sản
Đầu tháng 1 năm nay, Ngân hàng nhà nước còn có văn bản số 563 yêu cầu tất cả các tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải siết cho vay với bất động sản và xây dựng. Đồng thời, cơ quan này cũng chỉ đạo chuyển khoản cho vay sang một số “lĩnh vực ưu tiên” trong đó có doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) và các ngành công nghiệp công nghệ cao.
Không thể phủ nhận những cải cách gần đây của Ngân hàng nhà nước đã có những tác động tích cực, giúp các doanh nghiệp làm ăn chân chính có cơ hội phát triển, hạn chế nguy cơ xảy ra "bong bóng" bất động sản.