Hỏi: Vợ chồng tôi sống chung với nhau từ năm 1980 nhưng không đăng ký kết hôn và tích cóp mua được một ngôi nhà. Do không hợp tính, tôi và mẹ chồng thường xuyên xảy ra mâu thuẫn.
Sau khi chồng tôi qua đời vài tháng, mẹ chồng nói tôi không phải là vợ hợp pháp nên không có quyền ở trong ngôi nhà này. Xin luật sư cho biết, mẹ chồng tôi nói thế là đúng hay sai?
Xin cảm ơn!
Dương Thúy Hồng
Mẹ chồng có quyền đuổi con dâu ra khỏi nhà? (Ảnh minh họa, nguồn: Internet)
Trả lời:
Mục 1 Thông tư liên tịch số 01/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC ngày 3/1/2000 hướng dẫn thi hành Nghị quyết số 35/2000/QH10 ngày 9/6/2000 về việc thi hành luật hôn nhân và gia đình quy định rằng, nếu quan hệ vợ chồng được xác lập trước ngày 3/1/1987 (Luật hôn nhân và gia đình năm 1986 có hiệu lực) mà chưa đăng ký kết hôn, nếu một bên hoặc cả hai bên có yêu cầu ly hôn thì tòa án thụ lý vụ án, đồng thời áp dụng quy định về ly hôn của Luật hôn nhân gia đình năm 2000 giải quyết vụ án ly hôn theo thủ tục chung.
Nếu sau khi quan hệ vợ chồng đã được xác lập mới thực hiện việc đăng ký kết hôn thì quan hệ vợ chồng vẫn được công nhận kể từ ngày xác lập (ngày họ bắt đầu chung sống với nhau như vợ chồng) chứ không phải là chỉ được công nhận kể từ ngày đăng ký kết hôn.
Vợ chồng bạn về chung sống với nhau từ năm 1980, tức trước ngày Luật Hôn nhân và gia đình năm 1986 có hiệu lực. Căn cứ theo quy định trên, trường hợp của bạn tuy không thực hiện thủ tục đăng ký kết hôn nhưng quan hệ hôn nhân vẫn được xác lập và công nhận kể từ thời điểm về chung sống với nhau. Cần lưu ý, quan hệ hôn nhân thực tế của vợ chồng bạn được xác lập vào năm 1986 phải đủ điều kiện kết hôn, không vi phạm điều kiện cấm kết hôn theo quy định của Luật Hôn nhân gia đình năm 1959 (có hiệu lực vào thời điểm bắt đầu chung sống) thì pháp luật hiện hành mới công nhận hôn nhân thực tế.
- Điều kiện kết hôn: Con trai từ 20 tuổi trở lên, con gái từ 18 tuổi trở lên.
- Cấm kết hôn đối với các trường hợp như sau: Người đang có chồng, có vợ; những người cùng dòng máu về trực hệ, giữa cha mẹ nuôi và con nuôi; giữa những người khác có họ trong phạm vi 5 đời hoặc quan hệ thính thuộc về trực hệ; giữa anh chị em ruột, anh chị em cùng cha khác mẹ hoặc cùng mẹ khác cha; người mắc một trong các bệnh hoa liễu, bệnh hủi, loạn óc mà chưa chữa khỏi; người bất lực hoàn toàn về sinh lý.
Nếu vợ chồng bạn đủ điều kiện và được pháp luật công nhận là hôn nhân thực tế thì việc mẹ chồng bạn cho rằng bạn không phải là vợ hợp pháp của chồng bạn là không có căn cứ.
Đồng thời, khi chồng bạn qua đời, tài sản chung (ngôi nhà) sẽ được chia đôi. Theo quy định của Bộ Luật Dân sự hiện hành, nếu chồng bạn chết không để lại di chúc thì tài sản chung sẽ được chia theo quy định của pháp luật. Bạn là người thuộc hàng thừa kế thứ nhất và sẽ được chia một phần bằng với những người thừa kế khác.
Nếu vợ chồng bạn không đủ điều kiện để được pháp luật công nhận là hôn nhân thực tế thì không được công nhận là vợ chồng. Do đó, khi chồng bạn mất, tài sản chung sẽ được chia như sau: Tài sản riêng của ai thuộc về người đó. Bộ luật dân sự quy định, tài sản chung phân chia theo nguyên tắc phân chia tài sản thuộc sở hữu chung.
Luật sư, Thạc sĩ Phạm Thanh Bình
(Công ty Luật Bảo Ngọc, Hà Nội)