Hỏi: Vào năm 1999, tôi có thực hiện mua bán một thửa đất vườn rộng 1.252m2 bằng giấy tờ viết tay với chữ ký của bên mua là tôi cùng bên bán và người làm chứng.
Đến nay, khi người bán đất cũ mất đi, vợ con của ông ấy lại đến tìm tôi để đòi lại mảnh đất đó. Tôi muốn hỏi, liệu pháp luật có bảo vệ mảnh đất mà tôi đã mua và thực hiện trả tiền đầy đủ như trên hay không?
|
Trường hợp tranh chấp đất mua bán bằng giấy viết tay có thể được Tòa án xem xét và
giải quyết. (Ảnh minh họa, nguồn: VTC New) |
Trả lời:
Điểm 2.3, Mục II, Nghị quyết 02 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao được ban hành vào ngày 10/8/2004 đã nêu rõ việc giải quyết những tranh chấp về hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất (QSDĐ) được xác lập sau ngày 15/10/1993, chỉ khi hội đủ những điều kiện luật định thì mới được Tòa án công nhận hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ.
Các điều kiện cụ thể:
- Chủ thể thực hiện hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ phải có đủ năng lực về hành vi dân sự;
- Chủ thể hoàn toàn tự nguyện khi tham gia giao kết hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ;
- Nội dung cũng như mục đích hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ không được trái với những quy định của pháp luật và đạo đức xã hội;
- Hợp đồng cần phải được lập thành văn bản và có sự chứng thực của UBND cấp có thẩm quyền hoặc chứng nhận Công chứng của Nhà nước. Đất thực hiện giao dịch chuyển nhượng phải có Giấy chứng nhận QSDĐ theo Luật Đất đai 1989, Luật Đất đai 1993 và Luật Đất đai 2003;
- Bên chuyển nhượng QSDĐ phải có đủ các điều kiện chuyển nhượng, đồng thời, bên nhận chuyển nhượng QSDĐ cũng cần đáp ứng đủ các điều kiện về việc nhận chuyển nhượng theo đúng luật định.
Vì vậy, Tòa án chỉ giải quyết việc tranh chấp đất tùy thuộc khi các bên có bảo đảm được các điều kiện nêu trên hay không. Khi đó, bạn cần phải giải trình đúng sự thật về giao dịch chuyển nhượng đất của mình, cùng với các loại giấy tờ có liên quan để Tòa án có thể tiến hành xem xét và giải quyết cho bạn.
Luật gia Nguyễn Văn Khôi