Hỏi: 10 năm trước, tôi có cùng một người bạn chung tiền mua lô đất nhưng sổ đỏ chỉ được phép ghi tên một người.
Chúng tôi được một cán bộ ngân hàng hướng dẫn chỉ điền tên một người trên sổ đỏ của mảnh đất mua chung để hợp lý hóa các thủ tục thế chấp vay vốn tại thời điểm đó. Nhưng hiện mảnh như trở thành của riêng người đứng tên trên sổ đỏ, vậy tôi cần phải làm gì để bảo vệ quyền lợi cũng như tài sản của bản thân.
Thúy Hạnh
Trả lời:
Quyền sở hữu chung theo phần theo quy định của điều 209 Bộ luật Dân sự 2015 là sở hữu mà trong đó phần quyền sở hữu của mỗi chủ sở hữu được xác định với tài sản chung. Quyền và nghĩa vụ của các chủ sở hữu chung theo phần đối với tài sản tương ứng với nhau, ngoại trừ có thỏa thuận khác.
|
Đất mua chung sẽ ghi tên của tất cả chủ sở hữu trên sổ đỏ. |
Nguyên tắc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định tại Khoản 2 điều 98 Luật Đất đai 2013, đối với đất nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất thuộc quyền sở hữu chung của nhiều người thì phải ghi đầy đủ tên của tất cả những người đó vào Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất và cấp cho mỗi người này một Giấy chứng nhận. Nếu những người đồng sở hữu yêu cầu cấp chung một Giấy chứng nhận thì Giấy này sẽ được trao cho người đại diện mua đất, nhà ở.
Hai người đã chung tiền mua đất thì hoàn toàn có quyền được chung quyền sử dụng đất. Về nguyên tắc, phải ghi đầy đủ tên của hai người vào giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được cấp và cấp cho mỗi người một bản. Khi thế chấp mảnh đất này cho ngân hàng để vay vốn cũng cần phải có sự đồng ý của cả hai.
Nếu phía nhà băng yêu cầu chỉ một người đứng tên sổ đỏ để hợp lý thủ tục thì các bạn cần lập văn bản có công chứng, chứng thực của cơ quan chức năng có thẩm quyền với nội dung thỏa thuận về việc ủy quyền để một người đứng tên cũng như các quyền, nghĩa vụ của hai người trước khi tiến hành vay ngân hàng. Việc làm này sẽ giúp quyền lợi hợp pháp của người không đứng tên trên sổ đỏ được bảo vệ khi có rủi ro xảy ra.
Luật sư, Thạc sĩ Phạm Thanh Bình
Công ty Luật Bảo Ngọc, Hà Nội