Hỏi: Gia đình tôi có một thửa đất nằm trong quy hoạch cây xanh và đã bị thu hồi đất. Dù đất bị thu hồi nhưng UBND huyện chỉ hỗ trợ một phần, chứ không bồi thường về đất cho tôi.
Tôi khởi kiện hành chính, yêu cầu huyện hủy bỏ quyết định hỗ trợ bồi thường và tính lại đơn giá đất cho tôi. Tòa sơ thẩm bác đơn yêu cầu của tôi. Tôi kháng cáo và tòa phúc thẩm ra phán quyết chấp nhận đơn kháng cáo, buộc UBND huyện hủy bỏ quyết định hành chính và ban hành quyết định mới và tính lại giá đất cho tôi. Bản án phúc thẩm của tòa tuyên đã có hiệu lực pháp luật, nhưng gần 1 năm nay UBND huyện vẫn không thực hiện. Xin hỏi luật sư, thời gian thi hành bản án hành chính là khi nào và nếu người phải thi hành án chậm thi hành có bị vi phạm không, xử lý như thế nào? Xin cám ơn.
Võ Hoàng Thanh (huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai)
Trả lời:
Thời hạn tự nguyện thi hành bản án 30 ngày kể từ ngày nhận được bản án, quyết định của tòa án
Theo quy định tại Điều 311 Luật Tố tụng hành chính, trường hợp bản án, quyết định của tòa án đã hủy toàn bộ hoặc một phần quyết định hành chính, quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh thì quyết định hoặc phần quyết định bị hủy không còn hiệu lực. Căn cứ vào quyền và nghĩa vụ đã được xác định trong bản án, quyết định của tòa án, các bên đương sự thi hành.
UBND huyện phải có nghĩa vụ thực hiện theo bản án đối với trường hợp bản án phúc thẩm đã tuyên hủy bỏ quyết định công bố giá trị bồi thường và buộc UBND huyện phải tính lại giá trị bồi thường cho người bị thu hồi đất. Thời hạn tự nguyện thi hành bản án 30 ngày kể từ ngày nhận được bản án, quyết định của tòa án. Nếu quá thời hạn tự nguyện thi hành án, người phải thi hành án không thi hành thì người được thi hành án có quyền gửi đơn đến tòa án đã xét xử sơ thẩm ra quyết định buộc thi hành bản án, quyết định của tòa án.
Cũng theo Nghị định 71 ngày 1/7/2016 của Chính phủ, quy định về việc xử lý trách nhiệm trong thi hành án hành chính đối với công chức, viên chức có hành vi vi phạm pháp luật về thi hành án hành chính, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm có thể bị xứ lý kỷ luật theo quy định như khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương, giáng chức, cách chức và buộc thôi việc. Ngoài ra, người đứng đầu cơ quan, tổ chức thiếu trách nhiệm trong việc chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc thi hành án cũng chịu trách nhiệm tương ứng.
(Luật gia Nguyễn Văn Khôi)