Chị Thanh (quận 7, TP.HCM) đã ăn quả "đắng" khi dốc hết tiền bạc xây nhà trên mảnh đất mà mẹ chồng hứa cho tặng. Khi ly hôn, chị đành ngậm ngùi ôm con ra đi trong cảnh tay trắng.
Kết hôn từ năm 2014, vợ chồng chị Thanh sống chung với bố mẹ chồng. Từ trước khi lấy chồng, nhờ nhanh nhẹn, giỏi làm kinh tế nên chị đã tiết kiệm được 600 triệu đồng từ việc kinh doanh quán ăn. Chồng chị là công nhân nhà máy, lương thấp nhưng so với vợ, anh có nhiều quỹ thời gian gian dành cho gia đình.
Khi sinh bé trai vào năm 2015, bố mẹ chồng đã hứa cho mảnh đất sát vách để vợ chồng chị Thanh xây nhà ở riêng. Khi đó, mẹ chồng chị Thanh nói rằng vì không có điều kiện nên ông bà chỉ có thể cho đất, còn nếu muốn có tiền xây nhà, vợ chồng anh chị hãy cố gắng vay mượn từ bên ngoại. Theo lời mẹ chồng chị thì sẽ đỡ lo chuyện trả lãi nếu vay mượn được người thân, sau này nhà đó cũng là của vợ chồng chị nên vay thêm để xây nhà cho được căn nhà tử tế.
Nghe những lời ngọt nhạt của mẹ chồng, chị Thanh tin tưởng nên quyết định dồn toàn bộ tiền tiết kiệm rồi vay thêm người thân, bạn bè 600 triệu nữa để xây nhà. Về phía chồng chị, anh không có khoản tiết kiệm nào trước đó nên chẳng đóng góp thêm được gì nhưng "của chồng công vợ", dù sao căn nhà sau này cũng là chốn ăn ở của vợ chồng con cái nên chị không mảy may suy nghĩ.
|
Nàng dâu nhận quả đắng khi tin tưởng xây nhà trên đất được mẹ chồng hứa miệng sẽ cho tặng. Ảnh minh họa |
Xây xong căn nhà 2 tầng khang trang, chị Thanh tự hào khoe với mọi người nhờ bố mẹ chồng cho đất nên mới có được. Tuy nhiên chuyện chẳng ngờ tới, xây xong nhà mới không được bao lâu, vợ chồng chị xảy ra xích mích dẫn tới ly hôn. Song giữa họ lại không thoả thuận được về vấn đề phân chia tài sản, cụ thể là căn nhà.
Theo đó, bố mẹ chồng chị Thanh vẫn đứng tên trên sổ đỏ mảnh đất mà chị được hứa cho tặng, điều này nghĩa là việc tặng chỉ tính bằng lời
nói chứ thực tế chưa hề làm thủ tục sang tên. Đồng nghĩa với việc, tài sản được công nhận hình thành trong thời kỳ hôn nhân của vợ chồng chị Thanh chỉ là căn nhà 2 tầng, không tính đất. Trên thực tế, mảnh đất vẫn thuộc quyền sở hữu của ông bà trên cơ sở pháp luật. Nếu đem xét xử thì chị Thanh chỉ được nhận một nửa số tiền theo định giá căn nhà. Tính ra, chỉ bằng một phần nhỏ so với số tiền 1,2 tỷ đồng mà chị đã đầu tư xây nhà, sắm sửa nội thất trước đó.
Chị Thanh đã tìm cách thoả thuận với chồng cũ do không muốn tranh giành nên chỉ xin được lấy lại một nửa số tiền xây nhà là 600 triệu đồng. Trớ trêu thay, cả chồng lẫn bố mẹ chồng đều không đồng ý và cũng rất thờ ơ với mong muốn của chị. Bất ngờ hơn, họ còn nhất mực khẳng định rằng tiền xây nhà là của cả 2 vợ chồng chị cùng tích cóp, vay mượn 2 bên nội ngoại mới có được.
Cực chẳng đã, chị Thanh ngậm ngùi chấp nhận ra tòa và sẽ chỉ được nhận một nửa số tiền đúng theo định giá căn nhà, dù không thấm vào đâu so với khoản tiền hơn 1 tỷ đồng mà chị dành cho xây dựng và mua sắm đồ nội - ngoại thất. Mất nhà, mất tiền, chị đành trách bản thân đã nghe lời hứa miệng mà tin tưởng xây nhà trên đất của người khác.