Không chỉ văn phòng cho thuê, mà ngay cả mặt bằng kinh doanh hàng quán đều đang có xu hướng giảm giá. Đây được xem là cơ hội để doanh nghiệp lựa chọn được địa điểm phù hợp ngành nghề kinh doanh với mức giá tốt.
Hoạt động kinh doanh của nhiều hàng quán tại TP.HCM thời điểm đầu năm 2020 bỗng gặp khó do tác động của Nghị định 100/2019/NĐ-CP phạt nặng đối với hành vi uống rượu bia khi lái xe và những diễn biến khó lường của dịch Covid-19. Điều này cũng đã gián tiếp tác động đến tình hình chung của thị trường cho thuê mặt bằng.
Liên tục thanh lý hợp đồng thuê mặt bằng
Mới khai trương nhà hàng kinh doanh đồ ăn và cà phê trên đường Nguyễn Thị Minh Khai (quận 3, TP.HCM) được 3 tháng, doanh thu chưa đủ bù vốn, cửa hàng của anh Hoàng (nhà ở quận 2) đã gặp phải không ít khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Thực tế này khiến anh phải tính toán đến phương án khác thay vì cố duy trì hoạt động kinh doanh của cửa hàng. Nhà đầu tư này chia sẻ: "Nếu cứ bù lỗ liên tục 6-8 tháng chắc chắn sẽ phá sản nên tôi đang tính sang lại mặt bằng hoặc trả cho chủ".
Sau gần 1 năm thuê mặt bằng ở khu Phú Mỹ Hưng (quận 7) để mở nhà hàng chuyên các món ăn miền Trung với giá gần 100 triệu đồng/tháng, hiện chị Thư (nhà quận 7, TP.HCM) cũng đang rất lo lắng vì hàng quán ế ẩm bởi dịch bệnh, hai tháng đầu năm nay c đều lỗ tới 30-40 triệu đồng/tháng. Đứng trước tình cảnh buôn bán ế ẩm, chị than thở: "Tôi đang định đề nghị chủ nhà giảm giá thuê để cùng nhau vượt qua giai đoạn khó khăn. Nếu không chỉ còn cách trả lại mặt bằng, chứ tôi chịu đựng hết nổi rồi".
Tình trạng trả mặt bằng kinh doanh đang diễn ra trên địa bàn nhiều quận của TP.HCM do chủ cửa hàng buôn bán khó khăn trong khi giá thuê lại cao. Thậm chí ngay cả trên những tuyến phố thuộc khu trung tâm như Hai Bà Trưng, Lý Tự Trọng, Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Đình Chiểu... của quận 1 và 3 tình trạng đóng cửa cũng xảy ra, các bảng cho thuê mặt bằng xuất hiện nhiều hơn. Có những cửa hàng treo bảng cho thuê mặt bằng từ thời điểm trước Tết nguyên đán nhưng đến nay vẫn chưa có người thuê.
|
Biển cho thuê treo trước một cửa hàng nằm trên đường Nguyễn Tri Phương (quận 10, TP.HCM) xuất hiện suốt nhiều ngày qua nhưng vẫn chưa tìm được người thuê. Ảnh: Tấn Thạnh |
Sau thời gian dài treo bảng cho thuê, chủ nhà phải hạ giá vì không tìm được khách. Đơn cử như một căn nhà thiết kế 4 tầng, có chiều ngang hơn 10m nằm trên đường Hồ Xuân Hương (quận 3) đã phải giảm giá từ 11.000 USD/tháng xuống thành 10.000 USD/tháng và chia làm 2 phần để dễ cho thuê.
Ngay cả những tuyến đường từng được mệnh danh là khu phố trà sữa của Sài Gòn với giá cho thuê cao ngất ngưỡng như Ngô Đức Kế, Hồ Tùng Mậu (quận 1) hiện cũng khó tìm được khách thuê. Nguyên nhân là do sảng phẩm này đã trở nên bão hòa trong thời gian gần đây khiến việc buôn bán có phần khó khăn hơn, thu không đủ bù chi nên một số thương hiệu đã phải trả mặt bằng. Nếu như vài tháng trước Tết, giá thuê mặt bằng tại các tuyến đường này lên đến 20.000 USD/tháng (tương đương khoảng 450 triệu đồng) thì nay đã giảm xuống vài ngàn USD nhưng cũng rất vắng khách hỏi.
Có ngôi nhà cho thuê nằm trên đường Trần Quốc Thảo (quận 3), ông Minh cho biết, dù đã giảm giá thuê từ 4.800 USD/tháng xuống 4.000USD nhưng vẫn không tìm được người thuê. Vị chủ nhà kể: "Trước Tết, có người hứa qua Tết sẽ thuê nhưng tới nay không thấy hồi âm. Tôi gọi điện thì họ nói đang khó khăn quá nên bỏ ý định thuê mặt bằng để kinh doanh".
Tìm được mặt bằng mở quán cà phê từ trước Tết với giá thuê 15 triệu đồng/tháng nhưng chị Hoàng Lan (ngụ quận 10, TP.HCM) chấp nhận mất tiền cọc, trả mặt bằng do nhận thấy tình hình dịch bệnh đã ảnh hưởng khá lớn tới việc kinh doanh của các hàng quán xung quanh. Hầu hết các nhà hàng, quán ăn xung quanh khu vực chị thuê đều rất vắng khách, doanh thu không đủ để chi trả tiền nhân viên.
Vốn có ý định tìm thuê mặt bằng trên địa bàn quận 1 để kinh doanh trà sữa, cà phê, nhưng trước tình hình khó khăn chung của thị trường hiện nay anh Huy Hoàng (ngụ quận Bình Thạnh) đã tạm hoàn kế hoạch của mình. Anh chia sẻ: "Tôi sẽ chờ thêm một vài tháng để tìm mặt bằng cho thuê ưng ý và cũng chờ dịch bệnh lắng dịu. Chắc chắc giá sẽ tốt hơn và vị trí đẹp hơn trước đây rất nhiều".
Nhiều cơ hội tốt cho người thuê
So với thời điểm cuối năm 2019, một số chủ mặt bằng cho thuê trên các tuyến đường lớn của Sài Gòn đã chủ động giảm 10-20 % để tìm khách. Những mặt bằng này chủ yếu là do khách cũ trả lại vì hoạt động kinh doanh kém hiệu quả.
Thông tin từ anh Thìn, một người môi giới cho thuê nhà lâu năm tại khu trung tâm Sài Gòn cho biết, số lượng chủ nhà ký gửi những tháng đầu năm tăng lên khá nhiều nhưng việc tìm được khách thuê lại không hề dễ dàng. Theo nam môi giới này, nếu chủ mặt bằng chấp nhận giảm giá 10-30 % thì mới mong tìm được người thuê, nếu không vẫn phải chấp nhận cảnh để trống thời gian dài nữa.
Theo sự nhìn nhận của chuyên gia bất động sản Phan Công Chánh, tỷ lệ mặt bằng cho thuê trống chưa bao giờ lớn như thời điểm này. Đơn cử, chỉ một đoạn ngắn trên đường Trần Quang Khải (quận 1) nhưng có tới hơn 20 mặt bằng cho thuê. Giá thuê tại nhiều nơi giảm tới 20-30 % so với trước đó. Ông Chánh nhận xét: "Giai đoạn này có thể nói là lĩnh vực mặt bằng cho thuê đang thiệt kép vì vừa khó khăn do thị trường chung vừa bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Tuy vậy, đây cũng là cơ hội để những người kinh doanh lựa chọn địa điểm tốt, vừa ý mà giá lại giảm. Mặt bằng giá mới sẽ thiết lập theo hướng có lợi cho người thuê, chứ không bị làm khó, chỉ được quyền chọn thuê hay không chứ không trả giá như trước đây".
Ông Nguyễn Hồng Hải - Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty Vina Office cho hay, các nhà doanh nghiệp địa ốc, trong đó có cả những nhà kinh doanh mặt bằng cho thuê, văn phòng hiện nay đang phải chủ động tái cơ cấu, giảm giá để giữ chân khách thuê. Đồng thời, vị CEO cũng dự báo: "Theo tôi, các cửa hàng kinh doanh hàng ăn uống, tiêu dùng nhanh sẽ gặp khó khăn trong thời gian tới, nếu không cắt lỗ họ sẽ còn thiệt hại thêm ít nhất 4-6 tháng. Bởi thông thường các doanh nghiệp nhỏ kinh doanh ngành hàng ăn uống, thời trang chỉ có thể chịu đựng lỗ trong thời gian 6 tháng. Nếu không nhìn thấy cơ hội thì phải tạm dừng".
Còn một số chuyên gia bất động sản đánh giá, tình hình khó khăn của thị trường mặt bằng kinh doanh, thương mại còn kéo dài đến hết quý II/2020 và bắt đầu khởi sắc vào quý III. Do đó, để tránh tình trạng khách thuê ồ ạt trả mặt bằng để tìm kiếm vị trí mới tốt hơn với mức giá tương đương thì chủ nhà cần phải chủ động giảm giá thuê. Theo ông Hải: "Tạm dừng không phải là bỏ cuộc mà họ chấp nhận bỏ đi một khoản tiền cọc, tiền thuê nhà trong 3 tháng để lùi lại, chờ cơ hội để tìm kiếm một vị trí tốt hơn".
Tình hình khó khăn lan sang cả văn phòng cho thuê
Tình trạng khó khăn không chỉ diễn ra đối với mặt bằng kinh doanh, mà còn lan sang cả lĩnh vực văn phòng cho thuê. Nhiều doanh nghiệp để tiết giảm chi phí, cắt giảm nguồn nhân sự đã lựa chọn phân khúc văn phòng thấp hơn, diện tích nhỏ hơn. Thực tế này tạo điều kiện cho phân khúc văn phòng hạng B, C với giá thuê dưới 20 USD/m2, diện tích từ 30-50 m2 hút khách thuê hơn trong tương lai ngắn. Tổng Giám đốc của một công ty môi giới bất động sản cho hay: "Chúng tôi đã giảm 50% nhân sự, từ 100 xuống còn 50 người. Nếu không đổi văn phòng nhỏ hơn, mỗi tháng chúng tôi mất cả 100 triệu tiền thuê văn phòng".
|