Giới chuyên gia cho rằng, thị trường bất động sản đang gặp nhiều khó khăn và có dấu hiệu chững lại. Do đó, việc siết tín dụng có thể "giáng" thêm một cú sốc cho toàn bộ thị trường địa ốc.
Mới đây, Ngân hàng Nhà nước đã công bố dự thảo lấy ý kiến đối với Thông tư quy định giới hạn và tỷ lệ bảo đảm an toàn của các ngân hàng. Dự thảo đề xuất nâng hệ số rủi ro mà ngân hàng phải áp dụng khi trích lập dự phòng cho những khoản vay cá nhân có dư nợ từ 3 tỷ đồng là 150%. Theo cơ quan điều hành, mục đích của việc sửa đổi quy định là để hạn chế tín dụng bất động sản cao cấp.
Thế nhưng, theo giới chuyên gia và doanh nghiệp địa ốc, động thái siết tín dụng vào phân khúc bất động sản cao cấp sẽ tác động ngay tới thị trường nhà đất. Hơn nữa, thị trường địa ốc hiện đang gặp nhiều khó khăn và có dấu hiệu chững lại trong các tháng đầu năm 2019.
Chủ tịch HĐQT Tập đoàn GP Invest, ông Nguyễn Quốc Hiệp nhận định, do nhiều nguyên nhân khác nhau, trong năm nay, thị trường bất động sản có thể phải đối mặt với nhiều khó khăn. Trước hết, các cơ quan thanh và hoặc Kiểm toán Nhà nước yêu cầu rà soát dự án. Đây là quyết định mang tính "hồi tố", thậm chí lật lại các dự án đã xong mà ở giai đoạn triển khai trước đây, cơ quan quản lý chấp thuận cho thực hiện. Tại các thành phố lớn, tiến độ một số dự án sẽ bị ảnh hưởng bởi chủ trương rà soát dự án.
Sự chững lại của thị trường địa ốc sẽ tác động tới những ngành liên quan như nội thất, xi măng, sắt thép, vật liệu... Đồng thời, tốc độ tăng trưởng GDP cũng bị ảnh hưởng bởi thực trạng này. Theo ông Hiệp, xét ở góc độ vĩ mô cần xem xét chủ trương rà soát dự án sẽ tác động như thế nào để tránh gặp phải vướng mắc về mặt vĩ mô. Vị này cho biết, một số tỉnh thành có thể điều chỉnh tăng khung giá đất.
Mặt khác, việc siết tín dụng bất động sản của ngân hàng sẽ tiềm ẩn nguy cơ sụt giảm nguồn cung nhà ở, giá đất gia tăng, có thể gây khó cho thị trường.
Ông Hiệp đánh giá: "Bất động sản là lĩnh vực quan trọng, đóng góp lớn cho GDP. Tuy nhiên, chúng ta cầm một con dao sắc nhưng nếu không cẩn thận thì dễ đứt tay. Nếu chính sách vận dụng tốt thì lĩnh vực này sẽ thúc đẩy GDP nhưng không khéo thì dẫn đến thị trường phát triển quá nóng. Ngược lại, nếu để lạnh quá lại khiến GDP tụt, không đạt được tốt độ tăng trưởng".
Lãnh đạo Tập đoàn GP Invest cho rằng, các bộ ngành cần có sự phối kết hợp và điều tiết trong việc sử dụng các công cụ quản lý nhằm đảm bảo sự ổn định, tránh có những chính sách thất thường khiến thị trường địa ốc lúc lạnh, lúc nóng.
|
Theo giới chuyên gia, việc siết tín dụng bất động sản trong bối cảnh hiện nay có thể khiến thị trường địa ốc chao đảo. (Ảnh minh họa, nguồn: Dân trí) |
Trong khi đó, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cũng chỉ ra hàng loạt thách thức đối với thị trường nhà đất. Do chính sách thiếu ổn định và khó dự đoán, điển hình là việc "hồi tố" một số dự án gần đây khiến doanh nghiệp địa ốc phải đương đầu với nhiều thách thức, rủi ro, thậm chí có nguy cơ phá sản. Quy mô của thị trường bất động sản hiện bị sụt giảm, số lượng dự án giảm kéo theo nguồn cung căn hộ, nhà ở cũng giảm sút. Thực trạng này có thể khiến giá nhà tăng theo quy luật cung - cầu (cung ít, cầu nhiều).
HoREA lấy dẫn chứng, thị trường địa ốc kể từ tháng 3/2017 tới nay liên tục sụt giảm. Quy mô thị trường năm 2018 so với năm trước giảm 34%. Lượng dự án được phê duyệt bởi Sở Xây dựng trong quý 1/2019 giảm tới 67% so với cùng kỳ. Theo một báo cáo của Savills, so với quý 1/2018, lượng căn hộ giảm 57%; thu ngân sách từ tiền sử dụng đất cũng giảm xuống, mức giảm lên tới 70%.
Trước thực trạng nêu trên, đại diện HoREA nhận định, việc siết tín dụng bất động sản sẽ tác động tới nguồn thu ngân sách, đặc biệt có thể khiến thị trường chao đảo.
Theo Phó Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, ông Nguyễn Văn Đính, việc phát triển các phân khúc thấp hơn là điều cần thiết. Tuy vậy, cũng không nên vì thế mà "hy sinh" phân khúc bất động sản cao cấp. Bởi lẽ, nhà ở cao cấp đang thu hút một lượng lớn khách hàng ngoại, những người nước ngoài tới Việt Nam sinh sống, làm việc. Trong bối cảnh hội nhập, nhóm khách hàng này có xu hướng ngày càng tăng cao.
Để đáp ứng nhu cầu của nhóm khách hàng có thu nhập cao, gồm cả người nước ngoài, Việt Nam đặt mục tiêu tạo ra các không gian sống chất lượng, tiện nghi, an toàn, đảm bảo cả về hạ tầng, tiện ích.
Ông Đính cho hay, thanh khoản của thị trường địa ốc nói chung và phân khúc cao cấp nói riêng hiện không có đột biến. Đồng thời, giá bán nhà ở cũng chưa có dấu hiệu tăng nóng bất thường. Chính bởi vậy, vị này cho rằng, để tránh ảnh hưởng tới các lĩnh vực liên quan, hiện chưa cần thiết siết tín dụng bất động sản.