Điểm những mánh khóe lừa khách hàng của công ty địa ốc

  01/10/2019 - 11:36

Vụ việc Công ty CP địa ốc Alibaba lập các dự án ma để lừa bán cho hơn 6.700 khách hàng đang khiến dư luận không khỏi hoang mang khi lựa chọn mua nhà đất. Dưới đây là những mánh khóe lừa đảo phổ biến của các doanh nghiệp địa ốc và người mua cần làm gì để tránh phải những bẫy lừa đảo này.

Ba điểm mấu chốt người mua nhà đất cần nắm vững

Thông tin chủ đầu tư: Người mua bất động sản nên tìm hiểu thật kỹ các thông tin liên quan đến chủ đầu tư như Giấy phép, giấy chứng nhận đầu tư/kinh doanh, quy hoạch/bản đồ/bản vẽ chi tiết… để xác định được tính minh bạch của đơn vị kinh doanh. Các thông tin này theo của Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014 phải được công khai trên trang web doanh nghiệp hoặc sàn giao dịch. 

Khi tìm hiểu về dự án và sản phẩm định mua, khách hàng nên yêu cầu chủ đầu tư cung cấp đầy đủ các loại giấy tờ liên quan đến quyền sử dụng đất, hồ sơ chi tiết dự án, thiết kế bản vẽ thi công được duyệt bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền, giấy phép xây dựng, giấy tờ nghiệm thu việc xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật tương ứng theo tiến độ dự án.

 đất nền
Những vụ việc liên quan đến địa ốc Alibaba khiến khách hàng không khỏi hoang mang trước lựa chọn mua đất nền.

Tính pháp lý: Thông tin liên quan đến hợp đồng, giao dịch đối với loại tài sản phải thực hiện đăng ký quyền sử dụng đất, quyền sử dụng sau khi được ký kết đều được các phòng công chứng nhập đầy đủ vào chương trình “Quản lý hợp đồng công chứng và dữ liệu ngăn chặn UCHI” do sở tư pháp thiết lập.

Vậy nên, khách hàng hoàn toàn có thể tìm hiểu thông tin về giao dịch công chứng đối với Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà, quyền sử dụng đất, quyết định thu hồi, đã bị hủy, đã bị mất… thông qua chương trình trên.

Hợp đồng mua bán: Đây được xem là căn cứ pháp lý quan trọng nhất trong việc ràng buộc quyền và nghĩa vụ giữa các bên khi thực hiện các thủ tục mua bán bất động sản.

Do đó, người mua cần xem xét các điều khoản cũng như quyền và nghĩa vụ, điều khoản thanh toán, thời gian bàn giao nhà, thời điểm chuyển quyền sở hữu và thời hạn được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất thật kỹ; đồng thời, không nên bỏ qua những chế tài phạt khi vi phạm được nêu trong nội dung hợp đồng…

Những mánh khóe lừa đảo điển hình

Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) tại toạ đàm Nhà ở hình thành trong tương lai, làm gì để hạn chế rủi ro đã nêu ra 4 mánh khóe lừa đảo điển hình của các công ty địa ốc hiện nay.

Mánh khóe điển hình nhất là thay đổi tên dự án. Chiêu thức này thường được áp dụng cho các dự án đã nằm đắp chiếu lâu năm, dự án từng dính vào nhiều tai. Việc thay tên nhằm mục đích xóa những dấu vết không tốt đẹp trước kia nhưng về thực chất chỉ là “bình mới rượu cũ”.

Tiếp đến là chiêu thay đổi tên chủ đầu tư. Những chủ đầu tư làm ăn theo kiểu chộp giật, bị dư luận lên án, báo chí phản ánh gay gắt đã thay đổitên doanh nghiệp để tiếp tục hoạt động. Tuy nhiên, đây chỉ là sự thay đổi về hình thức còn về bản chất năng lực yếu kém chắc chắn không thể thay đổi được.

Thứ nữa là thay đổi quy hoạch 1/500, nhồi vào những tiện ích không hề có thực, một hình thức lừa dối người mua về mặt thông tin. Trên thực tế đã có những doanh nghiệp tự ý thay đổi quy hoạch rồi mang sản phẩm đi rao bán mà chưa có sự phe duyệt của cơ quan chức năng.

Cuối cùng là tăng giá bán so với cam kết. Về trường hợp này, chủ đầu tư đưa ra giá rao bán là 300 triệu đồng/nền, song giá của đơn vị phân phối lại đội lên thành 400-500 triệu đồng/nền. Thực tế này rất dễ dẫn đến tranh chấp giữa các bên và không giao hợp đồng cho người mua.

(Theo Lao động)

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu