Ngày 22/10, trong phiên khai mạc kỳ họp thứ 6, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nêu chính sách phát triển tín dụng theo hướng chặt chẽ ở lĩnh vực bất động sản và chứng khoán.
Về việc liệu có phải Chính phủ định hướng siết lại tín dụng bất động sản và chứng khoán trong thời gian tới, một lãnh đạo chuyên trách lĩnh vực này của NHNN cho biết, đến nay, dư nợ tín dụng bất động sản và chứng khoán vẫn chiếm tỷ trọng thấp, mỗi loại dưới 10%. Riêng tín dụng bất động sản, nếu tính cả tín dụng tiêu dùng mua, sửa chữa nhà ở thì cũng ở mức hơn chục phần trăm.
Vị lãnh đạo này cho biết: "Tại thời điểm này, tỷ trọng và dư nợ cho vay những mảng trên đều bình thường, thậm chí thấp nếu tính theo giới hạn tối đa. Hoạt động này được kiểm soát chặt chẽ, NHNN đã chủ động kiểm soát những năm gần đây, chứ không phải giờ mới đặt ra, giờ mới thực hiện, và tất nhiên không nên hiểu bây giờ siết lại".
|
Dư nợ tín dụng bất động sản và chứng khoán được cho là
vẫn chiếm tỷ trọng thấp |
Cũng theo ông, thông điệp nêu trong báo cáo của Thủ tướng không phải đặt trong bối cảnh hiện nay mà cần đặt trong quá trình thực hiện 3 năm qua của nhiệm kỳ này. Cụ thể, trong 3 năm qua, NHNN đã đưa ra lộ trình và từng bước thực hiện, tạo các bước thời gian để các chủ thể trên thị trường chủ động chuẩn bị. Đó là nâng hệ số rủi ro liên quan đến tín dụng bất động sản, đồng thời rải ra thực hiện giới hạn tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn.
Các chủ thể liên quan đã, đang và sẽ thực hiện theo lộ trình đã ấn định. Vậy nên hiện không có điều chỉnh, sửa đổi nào mới để xem là siết lại. Trong lộ trình đó, các ngân hàng thương mại đảm bảo được các điều kiện kỹ thuật đã được quy định thì việc cho vay vẫn bình thường, còn lại là khẩu vị rủi ro của họ.
Từ trước đến nay, khẩu vị rủi ro vẫn có sự đánh đồng trong cách hiểu.
Có ý kiến cho rằng trong thời gian qua, các ngân hàng thương mại vẫn thông qua tín dụng tiêu dùng (vay mua nhà, sửa chữa nhà ở) để "lách" tín dụng bất động sản. Lẽ ra, tín dụng tiêu dùng phải gộp vào tín dụng bất động sản. Bên cạnh đó, khi "lách" như thế, ngân hàng thương mại sẽ tránh được hệ số rủi ro tín dụng thấp hơn (so với cho vay đầu tư kinh doanh bất động sản, cho vay tín dụng tiêu dùng nói trên có hệ số rủi ro thấp hơn).
Vị lãnh đạo chuyên trách trên của NHNN cho rằng, có sự nhầm lẫn về bản chất ở đây, với hai nhóm đối tượng trên, các ngân hàng thương mại không thể hạch toán cùng một nhóm, không thể đánh đồng tín dụng tiêu dùng là tín dụng bất động sản để đánh giá rủi ro.
Bởi, việc cho vay tiêu dùng mua, sửa chữa nhà ở có nguồn thu và nguồn trả nợ tách khỏi dự án, người vay sẽ có nhiều nguồn thu bổ sung như lương hàng tháng. Trong khi đó, cho vay đầu tư kinh doanh bất động sản có nguồn thu, trả nợ từ chính dự án, phụ thuộc vào thanh khoản dự án. Mức độ rủi ro vì vậy là khác nhau.
Dưới khía cạnh khác, nếu gộp tín dụng tiêu dùng vào tín dụng bất động sản thì sẽ phải áp hệ số rủi ro tín dụng cao như tín dụng bất động sản. Khi đó, lãi suất cho vay sẽ tăng cao, một bộ phận người dân sẽ bị triệt tiêu nhu cầu về nhà ở.
Từ thực tế giám sát hệ thống, so với đầu tư và kinh doanh bất động sản, rủi ro tín dụng tiêu dùng vay mua, sửa chữa nhà ở mức thấp hơn. Lãnh đạo một ngân hàng thương mại nhà nước lớn mới đây khẳng định, họ đẩy mạnh cho vay tiêu dùng mua, sửa chữa nhà ở trong 2 năm nay và nguồn trả nợ chủ yếu của người vay là lương của họ và có thể nói cho đến nay nợ xấu không đáng kể, rủi ro gần như không có.