Giá bán căn hộ trên thị trường sơ cấp được CBRE Việt Nam dự báo vẫn tiếp tục đà tăng trong năm 2020 với tỷ lệ trung bình 5-10%.
Giá nhà tăng cao vì đâu?
Các nhà nghiên cứu thị trường phân tích, sự phát triển của nền kinh tế đã kéo theo nhu cầu trên thị trường bất động sản. Cụ thể: trong 3 quý đầu năm 2019, đà tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam đạt 6,98%, mức tăng trưởng cả năm dự kiến đạt 6,9%. Trong 2 tháng 10 và 11, chỉ số quản lý thu mua (PMI) của Việt Nam đang đứng đầu trong khối các nước ASEAN.
Thực tế trên đồng nghĩa với việc đời sống của người dân ngày càng được cải thiện tốt hơn, dẫn đến sự thay đổi trong nhu cầu nhà ở. "Người Việt Nam bắt đầu có nhiều sự lựa chọn hơn", ông Jimmy Chan - Tổng giám đốc Alpha King nói và cho biết nguyên nhân là vì người dân đã bắt đầu biết tận dụng các khoản vay mua nhà, có phần chủ động hơn rất nhiều trong việc tìm hiểu thông tin dự án trên thị trường. Nhu cầu về nhà ở tại Hà Nội và TP.HCM ngày càng tăng cao.
Ông Chan nhận xét: "Trong tâm thức của người Việt Nam, nhà ở luôn là một tài sản có giá trị, nơi họ tích lũy tài sản và có thể để lại cho con cháu đời sau thừa kế. Nhà ở có chất lượng cao, được xây dựng với tầm nhìn xa và có thể tồn tại trong thời gian dài chính là một trong những mối bận tâm hàng đầu khi người dân Việt Nam chọn mua nhà ở".
|
Đà tăng trưởng giá nhà Sài Gòn vẫn còn tiếp diễn trong thời gian tới. |
Hạ tầng giao thông được đầu tư bài bản với quy mô lớn được xem là yếu tố đầu tiên tạo nên cơn lốc tăng giá nhà ở tại TP.HCM trong thời gian tới. Thực tế tại TP.HCM, các dự án phát triển theo dọc tuyến tàu điện Metro là minh chứng rõ ràng nhất cho thấy cú huých mạnh mẽ của hạ tầng giao thông đối với thị trường bất động sản. Giá bán của các dự án đã và đang trong quá trình triển khai dọc theo một số tuyến cao tốc đang chuẩn bị đầu tư cũng đã có nhiều thay đổi.
Tình trạng khan hiếm nguồn cung trên thị trường được dự báo vẫn tiếp diễn trong năm 2020 được xem là nguyên nhân thứ 2 tác động trực tiếp đến đà tăng giá nhà ở tại Sài Gòn. Một số chuyên gia cũng như doanh nghiệp lớn đều cho rằng, trong bối cảnh tín dụng bị thắt chặt, hàng tồn kho vẫn còn, các dự vẫn bị đứng hình vì những vướng mắc về mặt pháp lý sẽ khiến nguồn cung nhà ở mới trong năm 2020 ít hơn so với năm nay.
Nguồn cung ít trong khi nhu cầu thị trường cao khiến giá căn hộ tăng ở mọi phân khúc. Tuy nhiên tỷ lệ tăng giá sẽ tuỳ thuộc vào từng phân khúc cụ thể. Theo đó, căn hộ hạng C sẽ tăng, căn hộ hạng A cũng nhiều khả năng sẽ cao hơn. Chất lượng dự án cũng được các chủ đầu tư chú trọng hơn.
CBRE dự báo, sẽ có 4 xu hướng dẫn dắt thị trường căn hộ trong năm tới. Xu hướng đầu tiên là nguồn cung chính của thị trường sẽ tập trung tại các đô thị ở các vùng ngoại vi Sài Gòn; khả năng hấp thụ thị trường vẫn tốt. Nguồn sản phẩm mới sẽ được các nhà phát triển bất động sản chú trọng phát triển đa dạng hơn với sự tối đa hóa diện tích sử dụng. Kết nối hạ tầng liên tỉnh lân cận TP.HCM như Đồng Nai, Bình Dương, Long An phát triển mạnh sẽ tạo đà cho giá căn hộ tiếp tục tăng.
Khu vực nào có giá nhà đất tăng mạnh nhất?
Kết quả khảo sát thực tế cho thấy, giá bán trong quý sau thường tăng trung bình hơn 2% so với quý trước đó, thậm chí có những dự án còn tăng tới 5-7 %. So với 2 năm trước, giá bán căn hộ trên địa bàn quận 2 và 9 hiện đã tăng tới 40-60 %, có nhiều nơi còn ghi nhận mức tăng lên tới vài trăm phần trăm, thanh khoản luôn đạt tỷ lệ hơn 90%.
Trong đó, những dự án chạy dọc theo những trục đường chính của khu Đông đều rất thu hút người mua.
Có thể kể đến một số dự án khu đô thị nằm theo tuyến đường dẫn lên cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây như Lakeview City của chủ đầu tư Novaland đã tăng từ 4,5 tỷ đồng lên thành 7-8 tỷ/căn; giá một căn hộ tại khu dân cư Merita do Khang Điền đầu tư ghi nhận tăng khoảng 2 tỷ đồng; mỗi m2 tại dự án khu đô thị Palm City do Keppel Land triển khai cũng tăng khoảng 3 triệu đồng chỉ trong vài tháng.
Nằm ở vị trí trên trục Xa lộ Hà Nội, cạnh cầu Rạch Chiếc (quận 9), giá mỗi căn hộ tại dự án Him Lam Phú An hiện đã tăng từ 500 triệu đồng so với thời điểm đầu năm. Cũng được triển khai bởi Him Lam Land, giá giao dịch của một dự án nằm cạnh đại lộ Phạm Văn Đồng (quận Thủ Đức) so với thời điểm mở bán năm 2015 hiện đã tăng tới hơn 60%.
Sự xuất hiện của một số dự án cầu giao thông mới cũng đã tạo đà cho một số dự án biệt thự, nhà liền kề quanh trục đường Nguyễn Thị Định, Đồng Văn Cống tăng giá đáng kể. Đơn cử như việc đưa vào vận hành dự án vòng xoay 3 tầng Mỹ Thuỷ đã đẩy giá nhiều dự án chung cư cao cấp được rao bán từ đầu năm 2019 tăng từ 30 triệu/m2 lên thành 50-70 triệu/m2, tuỳ vào vị trí cụ thể. Cùng với đó, mặt bằng giá mới cũng đã được thiết lập tại nhiều dự án nhà ở ngay sau khi có thông tin phương án xây dựng cầu Cát Lái nối quận 2 với huyện Nhơn Trạch được thống nhất.
Các dự án đua nhau thiết lập mặt bằng giá mới trong bối cảnh nguồn cung không đáp ứng được nhu cầu của khách hàng càng khiến cơ hội sở hữu nhà ở của người dân tại đô thị này trở nên khó khăn hơn. Tại khu Nam Sài Gòn, giá chào bán của một số dự án nằm trên đường Nguyễn Hữu Thọ đang neo ở mức 65-85 triệu/m2; còn sản phẩm nhà phố, biệt thự tại các dự án nằm trên trục đường Nguyễn Lương Bằng cũng có giá lên tới 7-12 tỷ đồng/căn.
Đáng chú ý là một dự án nằm cuối đường Huỳnh Tấn Phát đã tăng vọt từ 30-35 triệu đồng/m2 lên gần 40 triệu đồng/m2 chỉ trong 10 ngày mở bán. Một số nhân viên môi giới cho biết, dù quận 7 là khu vực đang tập trung nhiều nguồn cung căn hộ, nhưng vì số căn được mở bán tại mỗi dự án đều rất hạn chế nên đã dẫn đến hiện tượng tăng giá mạnh trên thị trường thứ cấp.
So với thời điểm đầu năm, giá bán của một số dự án lớn, có triển vọng nằm ngay trục đường Đào Trí cũng đã tăng khá cao, vào khoảng 50-70 triệu/m2, tuỳ theo số tầng và hướng nhìn. Giá căn hộ trên thị trường thứ cấp ghi nhận mức tăng từ 3-5 %. Giá mỗi m2 nhà phố đường Phú Thuận cũng đang tăng từ 3-5 triệu, căn rộng 150m2 có giá bình quân khoảng 12-20 tỷ đồng, tùy vị trí.
Tại một hội nghị về thị trường BĐS mới tổ chức gần đây, khi bàn về khu vực nên xuống tiền đầu tư, các diễn giả đã chia sẻ, các nhà đầu tư nên đánh giá quá trình phát triển cơ sở hạ tầng tại khu vực để cân nhắc có nên bỏ tiền vào hay không. Tuyến tàu điện ngầm chạy quanh thành phố đang được đầu tư là lý do mà các nhà đầu tư thường có xu hướng lựa chọn khu vực có đường tàu cao tốc chạy qua để xuống tiền.
Theo ông Andy Han Suk Jung - Tổng giám đốc Sơn Kim Land đây là xu hướng phát triển chung của thị trường và các quốc gia phát triển như Mỹ hay Hàn Quốc cũng vậy. Nội thành luôn là khu vực đầu tư đầy lý tưởng. Trong khi mọi sức hút lại đang đổ dồn về khu vực quận 9. Khu vực Thủ Thiêm (quận 2) và quận 7 cũng rất đáng quan tâm với sự dần hoàn thiện của cơ sở hạ tầng.
Còn về phân khúc căn hộ nên tập trung đầu tư, ông Andy cho rằng nên lấy phân khúc nhà ở trung cấp làm trọng tâm vì vẫn còn nhiều tiềm năng cũng như dư địa để phát triển về lâu dài.