Thời gian qua, thị trường bất động sản (BĐS) Việt Nam đã có những tín hiệu hồi phục tích cực, giao dịch và thanh khoản đều tăng, đón đầu thời cơ này, các quỹ đầu tư nước ngoài, các tập đoàn đa quốc gia đã có nhiều động thái mở rộng rót vốn vào thị trường nhà đất.
Ngày 17/9 vừa qua, Kusto Home - thành viên của Kusto Group (Kazakhstan) đã công bố đầu tư vào giai đoạn 2 dự án Diamond Island (Q.2, Tp.HCM) sau sự thay đổi đáng nể phục từ vai trò cổ đông lớn sang tiếp quản và điều hành dự án này. Quy mô lần này khá lớn so với giai đoạn 1, lên đến 1 nghìn căn hộ.
Theo thông tin từ Tổng giám đốc Murat Utemisov, giai đoạn 1 của dự án là những căn hộ hạng sang có diện tích lớn. Với gần một thập kỷ gia nhập và hiểu thị trường hơn, hiện chủ đầu tư mạnh dạn triển khai giai đoạn 2 vẫn là BĐS chất lượng cao song điều chỉnh diện tích căn hộ vừa phải. Ông Murat Utemisov cho biết: "Giá cả vì thế cũng phù hợp với người mua nhà tại TP.HCM hơn".
Tập đoàn Chow Tai Fook kinh doanh trang sức, đá quý, BĐS thuộc sở hữu của tỷ phú giàu thứ 4 Hong Kong là Cheng Yu Tung cũng thay VinaCapital giành quyền quản lý khu phức hợp 4 tỷ USD Nam Hội An (Quảng Nam) vào đầu tháng 9 này.
VinaCapital cho biết, doanh nghiệp vẫn sở hữu 22,55% cổ phần và là cổ đông chiến lược tại dự án. Quỹ này sẽ tăng cổ phần nắm giữ tại dự án Nam Hội An lên gần 32% sau đợt tăng vốn trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, một đại diện Hong Kong khác cũng rất quan tâm đến BĐS Việt Nam là Jen Capital (thuộc Tập đoàn Chiaphua) mới đây đã bắt tay cùng Tập đoàn Tuần Châu thành lập liên doanh Công ty TNHH Jen Tuần Châu. Theo đó, liên doanh này thực hiện dự án biệt thự nghỉ dưỡng hướng biển và cảng biển Caye Sereno tại Vịnh Hạ Long.
Trước đó, vào cuối tháng 8/2015, tại Tp.HCM, Novaland - một doanh nghiệp chuyên phát triển BĐS cao cấp cho biết, công ty đã phát hành trái phiếu, cổ phiếu và nhận được sự tham gia vốn của VOF, Dragon Capital, Credit Suit. Cùng với diễn biến tích cực của thị trường địa ốc cũng như sự quan tâm của đông đảo khối ngoại, Novaland đã có kế hoạch IPO cuối 2016 và niêm yết giữa 2017 thậm chị là sớm hơn.
Trong năm 2015, các tổ chức, doanh nghiệp ngoại đã và đang có động thái mở
rộng đầu tư BĐS tại Việt Nam. (Nguồn ảnh: Lucas Nguyễn)
Quỹ đầu tư lớn của Nhật - Creed Group đã rót 200 triệu USD vào Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển bất động sản An Gia (An Gia Investment) vào tháng 7/2015. Được biết, quỹ này cam kết mua 20% cổ phần của đối tác và hợp tác mua lại các dự án BĐS theo tỷ lệ 50-50 để cùng đầu tư và phát triển, đặc biệt quỹ cũng cung cấp khoản vay ưu đãi để An Gia xây và bán nhà. Quỹ đầu tư Creed Group từng công bố đầu tư vào một số dự án của Công ty Năm Bảy Bảy.
Khu Nam Sài Gòn lộ diện dự án "khủng" của Công ty Thành phố Đế Vương (Empire City) vào tháng 6/2015 với vốn đầu tư 1,2 tỷ USD được trao Giấy chứng nhận đầu tư. Dự án thuộc Khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2) do liên doanh giữa Công ty Bất động sản Tiến Phước và Công ty TNHH Bất động sản Trần Thái với nhà đầu tư Denver Power Ltd (Anh) triển khai. Như vậy, với sự xuất hiện của Denver Power đã giúp Anh trở thành quốc gia có số vốn đăng ký cấp mới trong tháng 8/2015 lớn thứ 2 chỉ sau Hàn Quốc.
Vừa qua, cùng với những tín hiệu khởi sắc từ thị trường địa ốc, Vietnam Enterprise Investment Limited (VEIL) và Vietnam Growth Fund Limited (VGF) thuộc Dragon Capital cũng rất quan tâm đến các doanh nghiệp BĐS niêm yết. Hiện cổ phiếu đơn vị này nắm giữ gồm REE, KDH, KBC, VIC, BCCI,... với giá trị hàng trăm tỷ đồng mỗi mã.
Theo dự báo của Greg Ohan, Giám đốc Dịch vụ văn phòng Công ty CBRE Việt Nam, với luật mới cho phép khối ngoại được sở hữu và đầu tư BĐS tại Việt Nam, nhiều khả năng các tòa nhà văn phòng đã hoạt động hoặc đang xây dựng có thể thay đổi chủ. Xu hướng khối ngoại tham gia mua và đầu tư để cho thuê các cao ốc sẽ thể hiện rõ hơn trong thời gian tới.
Ông Huỳnh Phước Nghĩa, chuyên gia tư vấn cấp cao Công ty Tư vấn hội nhập toàn cầu (GIBC) nhận định, các thị trường đầu tư khác trên thế giới hiện đang biến động mạnh và các nước trong khu vực ASEAN trong đó Việt Nam nổi lên là một trong những thị trường hấp dẫn khối ngoại nhờ vị trí cửa ngõ.
Hơn nữa, BĐS trong nước đang nhận được sự hỗ trợ tích cực từ chính sách và tìm lại nhịp độ phát triển ổn định với thanh khoản cao. Chính vì thế, các doanh nghiệp, các tập đoàn đa quốc gia và quỹ ngoại mở rộng rót vốn vào BĐS Việt Nam dưới nhiều hình thức được xem là "đi tắt đón đầu". Có thể khẳng định, trong thời gian tới, đây sẽ là xu hướng tất yếu.
Ông Nghĩa cho rằng, dòng vốn ngoại là một kênh hỗ trợ vốn khá tốt cho thị trường BĐS Việt Nam. Bởi sức ảnh hưởng của khối ngoại tạo thêm không khí sôi động cho địa ốc Việt. Nhất là, với sự xuất hiện của các thương hiệu, tên tuổi quốc tế hàng đầu trong lĩnh vực này còn làm tăng thêm uy tín và tính chuyên nghiệp cho thị trường BĐS Việt Nam.
Thế nhưng, cũng theo ông Nghĩa, các quỹ đầu tư nước ngoài cũng có không ít mối bận tâm khi tham gia thị trường BĐS tại Việt Nam. Đặc biệt là sự chờ đợi việc nới room ngoại sẽ triển khai như thế nào, vấn đề nợ xấu BĐS được xử lý triệt chưa, hay còn thiếu các sản phẩm phái sinh để thúc đẩy quá trình dịch chuyển vốn...
Chuyên gia của GIBC cho hay, trên thị trường hiện số lượng doanh nghiệp BĐS được liệt vào diện an toàn để khối ngoại đầu tư chiếm tỷ lệ khá thấp. Và cũng không nhiều các dự án hấp dẫn để liên kết, liên doanh hoặc thâu tóm. Ngoài ra, pháp lý về BĐS tại Việt Nam cũng rất phức tạp.".
Theo ông Nghĩa: "Muốn tạo sức hút mạnh mẽ hơn đối với khối ngoại thì ngành BĐS phải nỗ lực cải thiện nhiều chỉ số như tăng độ minh bạch của thị trường, giảm nợ xấu, đơn giản hóa thủ tục hành chính, nâng chỉ số cạnh tranh,...".