Nhiều chủ đầu tư vẫn rao bán dự án trên website của mình nhưng trên thực tế dự án vẫn chưa được giải chấp. Vậy điều này sẽ gây ra những ảnh hưởng gì đến khách hàng?
Cuối tháng 8/2018, danh sách 92 dự án tại Hà Nội được chủ đầu tư thế chấp tại ngân hàng và tổ chức tín dụng bằng quyền sử dụng đất, thế chấp dự án và nhà ở hình thành trong tương lai đã được Văn phòng đăng ký đất đai Hà Nội công bố.
Trong đó có nhiều dự án của các doanh nghiệp lớn, có uy tín. Nhưng chỉ đến khi vỡ lở sự việc tại dự án Tokyo Tower (Hà Đông, Hà Nội) thì khách hàng mới giật mình "tỉnh giấc". Được biết, nhiều chủ đầu tư thế chấp cùng lúc nhiều dự án. Danh sách có một loạt dự án của các "đại gia" bất động sản.
Vẫn bán hàng dù chưa giải chấp
Công ty CP Hải Phát thế chấp quyền sử dụng đất dự án tại đoạn Cầu Chui - Cầu Đông Trù (Long Biên), dự án tại Phú Lãm (Hà Đông). Chủ đầu tư này cũng thế chấp quyền sử dụng đất 59 căn nhà ở thấp tầng và công trình hỗn hợp cao tầng tại dự án Hải Phát Plaza (Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm).
Công ty CP Đầu tư Văn Phú - Invest thế chấp bằng quyền sử dụng đất tại khu đất có ký hiệu TTDV-01, khu đô thị mới An Hưng, phường Dương Nội và phường La Khê, quận Hà Đông.
Geleximco thế chấp một phần tài sản gắn liền với đất tại một số thửa của dự án ở xã An Khánh, huyện Hoài Đức và quyền sử dụng đất tại khu đô thị hai bên đường Lê Trọng Tấn, phường Dương Nội, quận Hà Đông.
Danh sách này cũng có một loạt dự án khác đã đi vào bàn giao như Công ty Địa ốc MB thế chấp dự án Golden Field Mỹ Đình, Công ty TNHH Đầu tư toàn cầu Tràng An thế chấp một phần dự án Tràng An Complex tại Phùng Chí Kiên (Cầu Giấy)…
|
Nhiều dự án vẫn được rao bán dù chưa được giải chấp |
Nhiều dự án nhà ở thu nhập thấp giá rẻ, nhà ở xã hội cũng nằm trong danh sách này như Công ty CP Tập đoàn Hoành Sơn thế chấp dự án xây dựng chung cư nhà ở xã hội cán bộ chiến sĩ Bộ Công an tại số 282 Nguyễn Huy Tưởng, quận Thanh Xuân; Công ty CP Đầu tư xây dựng NHS thế chấp dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội tại phường Yên Sở, quận Hoàng Mai…
Danh sách cũng gồm quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền gồm 700 căn hộ để ở, 9 căn dịch vụ của dự án tòa nhà hỗn hợp thương mại và nhà ở chung cư Tecco (huyện Thanh Trì).
Theo danh sách, đến cuối tháng 8/2018, những dự án này vẫn chưa được giải chấp. Nhưng theo thông tin từ các website bán hàng trên mạng, từ đầu năm, chủ đầu tư đã tiến hành chào bán. Điều này được cho là vi phạm pháp luật.
Từ sự việc tại dự án Tokyo Tower (Hà Đông), PGS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT cho rằng, chắc chắn sẽ xảy ra rủi ro khi chủ đầu tư thế chấp không trả được nợ, ngân hàng phải đến siết nợ mà siết nợ sẽ không đánh vào tài sản của người đi thế chấp mà đánh vào tài sản người mua.
Tiềm ẩn nhiều rủi ro
Để đảm bảo pháp lý của dự án, hiện vẫn chưa có quy định nào buộc chủ đầu tư hay các đơn vị phân phối phải công bố thông tin về tình trạng thế chấp của dự án cho người mua nhà. Điều này đã khiến nhiều khách hàng phải ôm "trái đắng".
Tổng Giám đốc công ty Địa ốc Đất xanh Miền Bắc, ông Vũ Cương Quyết cho biết, việc công khai bán hàng khi thế chấp ngân hàng chưa giải chấp được cho là lỗ hổng quản lý khiến người mua nhà phải chịu rủi ro. Việc vừa bán hàng vừa thế chấp là vi phạm pháp luật. Cơ quan quản lý phải có trách nhiệm về việc chủ đầu tư tự bán khi tài sản đã thế chấp.
Tháng 5/2016, hàng trăm cư dân tại chung cư The Hamorna ở Tp.HCM dù đã dọn về sống được 3 năm nhưng bất ngờ bị ngân hàng BIDV chi nhánh Bắc Sài Gòn gửi thông báo siết nợ. Người mua nhà vì thế cần hết sức thận trọng khi mua tại các dự án đang thế chấp ngân hàng. Pháp luật cũng không cấm các chủ đầu tư thế chấp tài sản để vay vốn làm dự án.
Mới đây, theo công văn của Sở TN&MT - Văn phòng đăng ký đất đai Số 7527/STNMT-VPDKĐĐ, MBLand Holdings đang thế chấp ngân hàng toàn bộ quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai tại dự án Golden Field Mỹ Đình. MBLand Holdings chưa hề giải chấp và khách hàng không biết khi nào mới được cầm sổ hồng.
Theo khuyến cáo của một số chuyên gia bất động sản, sau nhiều câu chuyện tại nhiều dự án, một số chủ đầu tư đã tìm mọi cách để trấn án người mua nhưng để hạn chế rủi ro, người mua nên tìm hiểu kỹ pháp lý của dự án trước khi quyết định giao dịch.
Hai đầu mối thông tin quan trọng của người mua nhà là Sở Xây dựng và các ngân hàng. Tại đây, khách hàng có thể yêu cầu xem thông tin về dự án để xem dự án có vướng mắc gì không và đã bị cầm cố chưa.