Mua nhiều nhà đất, có phải là đầu cơ?

  11/09/2015 - 08:57

Hôm qua (10/9), tại buổi tọa đàm về các yếu tố ảnh hưởng đến thị trường bất động sản (BĐS) do Sở Xây dựng Tp.HCM tổ chức, đại diện Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Tp.HCM nhận định: “Pháp luật là yếu tố tác động rất lớn và ngay lập tức đến thị trường BĐS. Chỉ cần một quy định pháp luật có nội dung không rõ là nhà đầu tư và khách hàng phải chờ và mọi thứ phải dừng lại cho đến khi các cơ quan nhà nước thống nhất hướng dẫn”.

Cũng theo nhiều ý kiến tham dự tọa đàm, pháp luật chính là yếu tố cơ bản và hàng đầu tác động đến thị trường BĐS, vậy nhưng, yếu tố này còn bộc lộ nhiều thiếu sót, bất cập trong thời gian qua.

đầu cơ BĐS
 “Đầu cơ là những người làm lũng đoạn thị trường, là những tác nhân tạo ra
các đợt sốt đất và những người mua thứ cấp tham gia “lướt sóng” sẽ lãnh đủ”.
(Ảnh minh họa, nguồn:baomoi)

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Tp.HCM Lê Hoàng Châu lấy ví dụ là: “Việc doanh nghiệp phải nộp tiền sử dụng đất theo giá thị trường làm cho các doanh nghiệp kẹt cứng lâu nay. Hoặc như gói tín dụng hỗ trợ 30 nghìn tỷ đồng lại đi hỗ trợ các dự án nhà ở thương mại giá cao thay vì dự án nhà ở xã hội. Điều này là vô lý.".

Ông Châu cho rằng, để thị trường BĐS “minh bạch, bền vững và cạnh tranh lành mạnh” thì pháp luật cần quy định các biện pháp chống đầu cơ lũng đoạn thị trường bằng chính sách thuế. “Trường hợp mua nhà rồi bán ngay trong một năm sẽ bị đánh thuế rất cao ở Trung Quốc”, ông Châu dẫn chứng.

Trong khi đó, ông Nguyễn Công Thạch, Giám đốc Quỹ Phát triển nhà ở TP cho biết, không nên kỳ thị và gọi những người mua nhiều nhà đất là đầu cơ bởi họ không làm hại ai và họ đầu tư chính đáng. Ông Thạch nêu ví dụ: “Chẳng hạn, tôi có một căn biệt thự bán được 20 tỷ đồng. Do đầu tư vàng hoặc ngoại tệ hay gửi ngân hàng thì lãi suất thấp nên tôi mua 10 căn chung cư, trong đó tôi dành 1 căn để ở còn lại cho thuê hoặc bán lại. Việc này có gì sai. Vì thế, nếu gọi là đầu cơ thì như đang làm điều gì xấu, vi phạm pháp luật”.

Chủ tịch Hiệp hội BĐS Tp.HCM cho rằng, không cấm cũng không kỳ thị những người mua nhiều nhà, hay mua đi bán lại và không gọi đó là đầu cơ mà đó là những nhà đầu tư thứ cấp, đây là hiện tượng bình thường trên thị trường. Theo phân tích của ông Châu: “Đầu cơ là những người làm lũng đoạn thị trường, đó là những tác nhân tạo ra các đợt sốt đất và người mua thứ cấp tham gia “lướt sóng” sẽ lãnh đủ”.

Điển hình là hiện tượng sốt đất tại một dự án ở quận 7, Tp.HCM. Thời điểm trước năm 2005, trước khi có cầu Kênh Tẻ, giá đất chỉ khoảng 5-7 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, đến đợt sốt đất năm 2007 giá đất tại đây lên gấp 8 lần, tức lên đến 105 triệu đồng/m2!

Ông Châu nêu vấn đề: Ai tạo ra điều này? Theo ông, chỉ có một số ít nhà đầu cơ lớn gây ra, khi họ đã rút vốn khi giá đất khoảng 60-70 triệu đồng” .

(Theo Pháp luật Tp.HCM Online)

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu