"Người trẻ chưa có nhiều tích lũy không nên dốc hết tiền mua nhà"

  22/02/2019 - 01:30

Đó là nhận định của Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA), nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam tại hội thảo đầu kỳ dự án "Xây dựng chính sách tổng thể nhà ở xã hội tại Việt Nam giai đoạn 2021-2030".

Theo ông Nam, tại các đô thị lớn hiện nay, giá nhà ở quá cao so với mức thu nhập trung bình của người dân. Vậy nên, người dân cần thay đổi quan niệm sở hữu nhà sang có chỗ ở. 

Tham gia hội thảo đầu kỳ dự án "Xây dựng chính sách tổng thể nhà ở xã hội tại Việt Nam giai đoạn 2021-2030", Chủ tịch VNREA nhận định: "Nhà ở có thể không phải là mặt hàng bắt buộc mua bán nhưng nó thực sự là một mặt hàng bắt buộc phải có. Người dân có thể không mua ôtô nhưng không thể nào thiếu chỗ ở, sinh hoạt".

Nguyên thứ trưởng Bộ Xây dựng cho biết, nhu cầu nhà ở ngày càng tăng trong khi giá nhà tại các thành phố lớn hiện quá cao so với mức thu nhập bình quân của người dân. Do đó, đối với những người trẻ chưa có nhiều tích lũy, người có thu nhập trung bình, việc tiếp cận nhà ở còn nhiều hạn chế. 

ông Nguyễn Trần Nam
Chủ tịch VNREA, ông Nguyễn Trần Nam phát biểu tại hội thảo.
(Nguồn ảnh: Reatimes)

Theo chuyên gia này, Việt Nam cần đẩy mạnh phát triển loại hình nhà ở cho thuê. Ông Nam nói: "Về lâu dài, người dân cần thay đổi quan niệm sở hữu nhà ở sang có chỗ ở (thuê nhà)".

Lãnh đạo VNREA cho rằng, những người trẻ tuổi chưa có nhiều tích lũy không nên dốc hết tiền mua nhà mà. Thay vì thế, họ có thể đi thuê nhà tại các dự án phù hợp với khả năng chi trả và thuận lợi cho công việc. Theo ông Nam "đây là xu hướng chung trên thế giới và cũng đang ngày càng phổ biến tại Việt Nam".

Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng cũng kiến nghị đầu tư phát triển phân khúc nhà ở xã hội theo kế hoạch, quy hoạch, khơi thông nguồn vốn cho thị trường nhằm đáp ứng nhu cầu người ở của đại bộ phận người lao động. 

Cơ chế bù lãi suất cho 4 ngân hàng thương mại, cổ phần cần được triển khai nhanh chóng, cho phép cả chủ đầu tư dự án lẫn khách hàng vay mua. Về dài hạn, cần có cơ chế chính sách ưu đãi cho chủ dự án nhà ở xã hội, khách hàng, đồng thời hỗ trợ ưu đãi cho phân khúc nhà ở thương mại có giá dưới 1,05 tỷ đồng.

giá nhà tại các thành phố lớn quá cao
So với thu nhập trung bình của người dân, giá nhà tại các đô thị lớn quá cao.
 (Nguồn ảnh: Khổng Chiêm)

Mô hình tiết kiệm nhà ở cần được xem xét trong bối cảnh nhu cầu nhà ở tại các thành phố ngày càng cấp thiết nhưng giá đất quá cao so với khả năng tài chính. Động thái này nhằm để người dân chủ động tham gia tạo nguồn vốn cải thiện nhà ở của bản thân và có trách nhiệm với việc đó. 

Theo Chủ tịch VNREA: "Mô hình quỹ tiết kiệm chỉ huy động tài chính từ nguồn duy nhất từ các hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu vay để tạo lập nhà ở mà không được phép huy động từ các nguồn khác. Đây là mô hình do người dân tự nguyện tham gia, tự nguyện đóng góp và xã hội hóa, nghĩa là thay vì sử dụng vốn chính sách, thì sử dụng vốn tư nhân và vốn nhàn rỗi của người dân".

(Theo NDH)

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu