Dù thu nhập mỗi tháng tới vài chục triệu đồng nhưng người trẻ vẫn khó có cơ hội sở hữu nhà, ngay cả một căn hộ giá rẻ bởi giá bất động sản ngày một tăng cao.
Nguyên nhân chính khiến giá bất động sản liên tục gia tăng được các doanh nghiệp cho biết, ngoài việc đầu cơ thổi giá thì thời gian hoàn tất các thủ tục dự án kéo dài (khoảng 3-5 năm) cũng là yếu tố tác động mạnh đến thị trường.
Giá nhà đất vượt xa thu nhập
Cách đây 7 năm, vợ chồng anh Trần Anh Quân vào TP.HCM lập nghiệp, dù thu nhập hàng tháng khoảng 28 triệu đồng nhưng hiện anh chị cùng đứa con nhỏ 3 tuổi vẫn đang phải thuê một ngôi nhà nhỏ thuê để ở kết hợp làm phòng chụp hình cưới trong một con hẻm của quận Phú Nhuận. Khi được hỏi về kế hoạch mua nhà, anh Quân chia sẻ không biết đến bao giờ mới đủ tiền để mua được một căn nhà ở Sài Gòn.
Anh nói: "Tôi chỉ mới ra làm riêng gần hai năm nay nên thu nhập tăng so với khi còn đi làm công. Tiết kiệm mấy năm được 200 triệu đồng, nhưng giá nhà quá cao và mỗi năm lại tăng thêm nên chưa biết đến khi nào mới mua được nhà".
|
Dự án căn hộ được xem là có giá “mềm” ở khu vực đường Phạm Văn Đồng (Dĩ An, Bình Dương) cũng ở mức 1,5 tỉ đồng/căn thiết kế 2 phòng ngủ. Ảnh: T.M. |
TP.HCM mỗi năm có thêm hàng trăm ngàn người nhập cư đến để sinh sống, làm việc và học tập, trong đó chủ yếu là những người trẻ tuổi, kéo theo nhu cầu về nhà ở cũng tăng cao. Tuy nhiên, giấc mơ sở hữu nhà đất của đối tượng này ngày càng trở nên xa vời khi giá bất động sản liên tục leo thang.
Giá nhà đất TP.HCM theo Báo cáo thị trường bất động sản quý 3/2019 của Công ty cổ phần DKRA đã liên tục tăng trong suốt 5 năm qua. Đơn cử như căn hộ hạng C vào năm 2015 chỉ ở khoảng giá 16 triệu đồng/m2 nhưng nay đã vọt lên thành 25 triệu đồng/m2. Giá đất nền còn leo thang mạnh hơn với mức tăng tới 200-300 % trong chu kỳ 5 năm.
Tổng giám đốc Công ty CP DKRA Phạm Lâm đánh giá, thị trường hiện nay không còn loại hình căn hộ giá dưới 1 tỉ đồng. Căn hộ diện tích 55m2 hiện cũng ở mức 1,4 tỉ đồng là thấp nhất. Vị này nói: "Cơ hội sở hữu nhà của người trẻ mua nhà lần đầu ngày càng xa vời, khi những dự án bất động sản mới có mức giá trên dưới 1,5 tỉ đồng/căn ngày càng khan hiếm".
Cần tính toán kỹ khi mua nhà
Các chuyên gia tài chính tính toán, nếu một người trẻ có thu nhập 15 triệu đồng/tháng, mua nhà 1,5 tỉ đồng, trong đó 50% vay ngân hàng(tương đương 750 triệu) thì chỉ còn 3,8 triệu đồng/tháng để chi tiêu sinh hoạt hàng ngày sau khi đã trừ hết gốc và lãi trả góp mua nhà. Với khoản tiền này chắc chắn không thể sống được ở Sài Gòn.
Do đó, chuyên gia Lâm khuyến cáo: "Nếu đã có một khoản tiết kiệm kha khá và tính đến chuyện mua nhà, trước hết phải chọn căn hộ phù hợp với nhu cầu thực tế và năng lực trả nợ. Chấp nhận đi xa, mua từ căn hộ nhỏ ở phân khúc trung bình rồi sau đó chuyển lên căn hộ cao cấp hơn, ở gần trung tâm hơn, chứ đừng mua vì ham nhà to đẹp ngay mà đổ nợ".
Còn ông Ngô Quang Phúc - tổng giám đốc CP Phú Đông Group khuyên, người trẻ cần phải có chiến lược và tính toán cụ thể cho kế hoạch mua nhà để tráng rơi vào khủng hoảng nợ nần, khiến việc mua nhà trở thành điều tồi tệ của bản thân.
Để việc mua nhà không trở thành gánh nặng thì người mua cần phải tích lũy được khoản tiền tối thiểu bằng 30% giá trị căn nhà định mua, đồng thời khoản thu nhập hàng tháng phải gấp đôi so với số tiền dùng để mua nhà trả góp. Ví dụ, nếu khoản tiền chi cho việc mua nhà hàng tháng là 10 triệu đồng thì mức thu nhập tối thiểu phải là 20 triệu đồng. Như vậy mới đảm bảo cho mọi sinh hoạt trong gia đình.
Đồng thời, ông Phúc cũng khuyến cáo thêm: "Chỉ được dùng tối đa 50% thu nhập của mình để trả khoản vay mua nhà mà thôi, không được vượt quá, kẻo sẽ bị quá tải. Quá tỉ lệ trên sẽ rơi vào cảnh nợ nần khủng hoảng, không có đủ tâm trí để làm những việc khác tăng thu nhập được".
Gặp khó ngay cả khi thuê nhà
Thống kê từ Sở Xây dựng TP.HCM cho biết, giai đoạn 2016-2020, nhu cầu nhà ở trên địa bàn TP là 40 triệu m2 sàn và là 45 triệu m2 sàn trong giai đoạn 2021-2025. Diện tích nhà ở bình quân đầu người tại TP đạt 19,9 m2/người tính đến tháng 6/2019, dự kiến sẽ đạt 20,3 m2/người đến cuối năm 2020.
Song trên thực tế vẫn còn số lượng lớn người lao động, người thu nhập thấp đang phải lưu trú trong những căn hộ chật chội, cũ kỹ, vệ sinh, an toàn không đảm bảo. Đa phần trong số này khó có thể thuê nhà ở với mức giá phù hợp nên giấc mơ sở hữu nhà ở vẫn còn quá xa vời.
|