Hành động chấm dứt chi trả lợi nhuận lên tới 12% được chủ đầu tư Cocobay Đà Nẵng thông báo mới đây theo các chuyên gia chỉ là điều sớm hay muộn.
Cụ thể, theo nội dung thông báo của Tập đoàn Empire Group, chủ đầu tư Cocobay Đà Nẵng cho biết, kể từ ngày 1/1/2020, đơn vị này sẽ dừng chi trả mọi cam kết lợi nhuận cho khách hàng do việc kinh doanh bị trượt dài trong thua lỗ. Trong năm 2017, doanh nghiệp phải chịu lỗ 24 tỷ đồng và khoản này tăng lên thành 100 tỷ vào năm 2018. Tính đến thời điểm cuối năm 2018, tổng dư nợ của tập đoàn là khoảng 2.000 tỷ.
Cùng với đó, Tập đoàn cũng đưa ra các giải pháp khác nhau để nhà đầu tư tại Cocobay Đà Nẵng có thể lựa chọn.
|
Chủ đầu tư dự án condotel Cocobay Đà Nẵng vỡ trận lợi nhuận khủng. |
Là một trong những dự án condotel đầu tiên trên địa bàn TP. Đà Nẵng cũng như khu vực miền Trung ở giai đoạn 2016-2017, Cocobay Đà Nẵng gây sự chú ý mạnh đối với nhà đầu tư vì đưa ra cam kết lợi khủng, lên tới 12%/năm.
Đa phần các dự án condotel tại Việt Nam trong thời gian qua đều cam kết tỷ lệ lợi nhuận từ 8-12 %/năm, thậm chí có dự án còn cam kết lên tới 15%/năm trong thời gian 10 năm đầu sau khi hợp đồng mua bán được ký kết.
Song mức lợi nhuận này theo đánh giá của nhiều chuyên gia trong lĩnh vực kinh tế, bất động sản là không thực tế. Nhận định về tình hình phát triển condotel tại Việt Nam, ông Rudofl Hever - Giám đốc bộ phận Tư vấn khách sạn của công ty Savills Châu Á – Thái Bình Dương từng cho biết, có rất nhiều rủi ro bủa vây chủ đầu tư cũng như khách hàng từ việc cam kết lợi nhuận quá cao trong khi tiềm lực tài chính của chủ đầu tư lại yếu.
Nhiều chuyên gia tham dự Diễn đàn Bất động sản Du lịch 2019 với chủ đề Triển vọng thị trường và Thách thức nguồn nhân lực đã lên tiếng cảnh báo, condotel hiện đã không còn là sản phẩm thịnh hành tại các nước trên thế giới, ngay cả ở Thái Lan, dòng sản phẩm này hiện cũng không còn được ưa chuộng.
"Toàn thế giới, không ở đâu có chuyện tỉ suất lợi nhuận của các dự án condotel được cam kết từ 10-15 % như ở Việt Nam. Để duy trì được ở mức 10% là điều không hề dễ dàng. Tôi nghĩ các cam kết này thực chất nhằm mục đích quảng cáo chứ không khả thi", ông Kai Marcus Schroter - CEO Hospital Tourism Management khẳng định.
Đồng thời, ông cho biết thêm, condotel trong suy nghĩ của các chủ đầu tư chỉ đơn giản là phục vụ cho việc lưu trú. Trong khi yếu tố cơ bản để tạo sức hút và duy trì hoạt động của dòng sản phẩm này lại nằm ở các tiện ích.
CEO Hospital Tourism Management nói: "Tính hiệu quả của condotel phải được duy trì, sau hàng chục năm, khách du lịch vẫn phải muốn quay lại để ở và condotel phải phục vụ được đến cả thời điểm đó. Tại Việt Nam, theo tôi thấy ít khách du lịch nào muốn quay lại Nha Trang, Phú Quốc bởi thực sự chưa có nhiều điểm đến và cả tiện ích khiến họ quay lại".
Còn theo đánh giá của chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển, các dự án biệt thự nghỉ dưỡng, condotel đã được đưa vào vận hành từ năm 2018 khó có thể đạt được tỷ lệ sinh lời 10%/năm. Bởi, sau khi phải chi trả một khoản lớn cho các mục như: chi phí quản lý, marketing thì doanh thu của loại hình sản phẩm này sẽ chẳng còn được bao nhiêu.
Công suất thuê phòng tại các dự án mới đưa vào sử dụng sẽ rất khó đảm bảo, thậm chí là bị thua lỗ nếu không có sẵn nguồn khách hàng, chưa tạo dựng được thương hiệu. Như vậy thì lấu đâu ra lợi nhuận để chi trả cho nhà đầu tư.
Theo chia sẻ của ông Thanh Thành Vũ - Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Bất động sản Du lịch Việt Nam, tỷ lệ doanh thu cao nhất cả nước từ việc cho thuê nhà hiện nay chỉ đạt được 4%/năm, chủ yếu tập trung ở 2 đô thị lớn nhất cả nước là Hà Nội và TP. HCM, vậy nên mức cam kết lợi nhuận là 8-12 %/năm đối với bất động sản nghỉ dưỡng chỉ là điều không tưởng.
Trước thực tế này, vị Phó chủ tịch đã đặt ra nghi vấn, chủ đầu tư đã tăng giá trị thực của một căn condotel, từ 500.000USD lên thành 1 triệu USD để lấy phần dôi ra trả từ từ cho các nhà đầu tư. Đây thực chất chỉ là cách lấy trước rồi trả sau cho người mua chứ không phải là khoản lời thu được từ việc kinh doanh.