Thêm 3 dự án nhà lưu trú cho công nhân tại TP.HCM trong năm 2019

  24/05/2019 - 02:36

TP.HCM trong năm 2019 sẽ xây dựng thêm 120.000m2 sàn nhà lưu trú cho công nhân tại các khu công nghiệp - khu chế xuất trên địa bàn nhằm đáp ứng nhu cầu đang rất lớn.

Theo số liệu của Sở Xây dựng TP.HCM, toàn TP hiện có 17 khu công nghệ cao, khu công nghiệp - khu chế xuất và 16 cụm công nghiệp khác với tổng số lao động làm việc đạt xấp xỉ 380.000 người. Trong đó, số lao động cần nhà lưu trú chiếm đến 60-75%, với khoảng 280.000 chỗ ở. Tuy vậy, trên thực tế, TP.HCM mới chỉ đáp ứng được một phần nhỏ nhu cầu này.

Nguồn tin từ Sở Xây dựng cho hay, TP.HCM hiện có 15 dự án với 47 ha đất đã và đang được triển khai xây dựng nhà lưu trú cho công nhân, cung ứng 95.000 chỗ ở. Điều đáng nói là, những dự án này chủ yếu do doanh nghiệp đầu tư xây dựng. Trong năm 2019, theo kế hoạch, TP.HCM sẽ phát triển thêm 710.000m2 sàn xây dựng nhà ở xã hội (120.000m2 sàn xây dựng là nhà ở công nhân).

Cũng trong năm nay, 3 dự án nhà lưu trú cho công nhân sẽ được TP sẽ đẩy nhanh tiến độ triển khai, gồm: Dự án nhà ở xã hội cho công nhân trên ở đường Đinh Kiếp (Củ Chi); nhà lưu trú công nhân khu chế xuất Linh Trung II (giai đoạn 2); nhà ở xã hội và nhà trẻ em tại phường Long Trường (quận 9). Bên cạnh đó còn có nhà lưu trú tại số 15/6C đường Đặng Văn Bi (Thủ Đức).

nhà lưu trú cho công nhân tại TP.HCM
Nhiều khu công nghiệp tại TP.HCM không thu hút đầu tư do quy
hoạch chưa gắn liền với khu dân cư. Trong ảnh: Một dự án nhà
lưu trú cho công nhân Khu công nghiệp Hiệp Phước.

Bàn về nhu cầu xây dựng nhà lưu trú cho công nhân tại các khu công nghiệp tại TP.HCM, không ít doanh nghiệp cho hay, các khu công nghiệp đang gặp khó khăn trong việc thu hút đầu tư vì quy hoạch không gắn liền với khu dân cư. Minh chứng là, so với Bình Dương, số lượng khu công nghiệp bỏ hoang tại Long An khá nhiều do không gắn với khu dân cư. Điển hình là khu công nghiệp Đức Hòa 3 quy mô 1.800 ha trong mấy năm gần đây khó thu hút đầu tư vì không có quy hoạch khu dân cư, nhà lưu trú cho lao động, công nhân, chuyên gia nước ngoài đang làm việc trong các nhà máy. 

Còn tại Bình Dương, các khu công nghiệp lại hoạt động nhộn nhịp khi quy hoạch gắn liền với khu dân cư. Chẳng hạn, Khu công nghiệp VISIP 1-2 dành một phần quỹ đất rất lớn cho nhà ở, dịch vụ đáp ứng nhu cầu của công nhân, người lao động. Những khu công nghiệp do Becamex đầu tư cũng được quy hoạch khu dân cư bài bản, tiện nghi đầy đủ gồm chợ, trường học, nhà ở. Thế nên, nếu muốn các khu công nghiệp thu hút đầu tư mạnh hơn, TP.HCM cần có chính sách phát triển tương tự như này.

Cùng với việc tăng cường xây dựng nhà lưu trú cho công nhân tại các khu công nghiệp - khu chế xuất, Sở Xây dựng TP.HCM cần lưu ý các doanh nghiệp có giải pháp hiệu quả trong việc thu hút công nhân vào ở nhà lưu trú. Thực tế cho thấy, vì quản lý chưa chuyên nghiệp nên nhiều nhà lưu trú xây xong bỏ trống, không có người ở dù nhu cầu vẫn rất lớn. Phần lớn công nhân cũng không có khả năng chi trả khi giá thuê nhà cao. Hơn nữa, các nội quy, quy định trong các nhà lưu trú còn cứng nhắc, thiếu linh hoạt...

Những lý do nêu trên khiến công nhân thay vì vào nhà lưu trú, họ chọn ở phòng trọ. Như vậy, chỉ những nhà lưu trú được quản lý linh hoạt, năng động, cung cách phục vụ tốt mới thu hút công nhân, người lao động vào ở, điển hình như nhà ở công nhân tại khu chế xuất Tân Thuận.

(Theo Tuổi trẻ Online)

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu