Vào thời điểm thị trường bất động sản TP.HCM gặp khó khăn, các nhà đầu tư đã đẩy mạnh dòng vốn về khu vực vùng ven với hy vọng chốt lời, song con đường kinh doanh luôn khắc nghiệt và đã có không ít nhà đầu tư phải ôm hận.
Bi kịch không thoát được hàng
Tháng 10/2018, bà Tiều Ngọc Thanh (quận 10, TP.HCM) đã dồn hết khoản tiền tích cóp bấy lâu nay để mua 2 nền đất có giá 1,2 tỷ đồng/nền thuộc dự án khu dân cư 5 sao trên địa bàn huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An. Tại thời điểm mua vào, bà được môi giới quảng cáo về lợi suất khủng mà nền đất này có thể mang lại, lên tới 30%/năm, nguyên nhân là do thị trường bất động sản vùng ven đang sôi động trong bối cảnh nhà đất Sài Gòn rơi vào trầm lắng.
Tuy nhiên, lời quảng bá của môi giới chỉ là mật ngọt để đến bây giờ bà bán được 1 nền với lợi nhuận chỉ đạt 5%; còn một nền do không có ai nhòm ngó nên nhà đầu tư này đành bán hòa vốn để bảo toàn dòng tiền của mình.
Đầu năm 2019, thị trường bất động sản Bà Rịa - Vũng Tàu được cho là sôi động nhất khu vực phía Nam, đến mức lãnh đạo tỉnh này phải ban hành các văn bản siết chặt thị trường. Tuy nhiên, vào thời điểm tháng 11/2019, qua quá trình khảo sát thực tế, phóng viên nhận thấy, thị trường khá im ắng, đa phần các dự án đất nền tại đây đều bỏ hoang, những dòng chữ trên các tấm bảng rao bán đất đã bị mờ theo nắng mưa.
Đọc được thông tin chào bán đất nền trên tấm bảng treo ngay vị trí đầu đường nội bộ của một dự án nằm trên Quốc lộ 51 vào trung tâm TP. Bà Rịa, phóng viên đã gọi vào số điện thoại đi kèm để hỏi mua. Người bắt máy là chủ đất, tên Thắng cho hay, tháng 3/2019 ông đã mua mảnh đất với giá 19 triệu đồng/m2, nhưng rao bán giá 20 triệu đồng/m2 suốt từ tháng 8 đến nay vẫn chưa có người chốt. Số người gọi đến để hỏi mua đất cũng rất ít.
Theo đánh giá của ông Trần Văn Sơn - Giám đốc Công ty Môi giới bất động sản Vũ Sơn tại TP. Bà Rịa, kể từ khi tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ra chính sách siết chặt cấp phép dự án mới, đồng thời cũng không có xuất hiện yếu tố đòn bẩy nên thị trường bất động sản nơi đây đã xuất hiện dấu hiệu đi xuống từ cuối tháng 7 đến nay.
|
Sự xuất hiện các dự án ma tràn lan cộng với hạ tầng giao thông kém phát triển là một trong những trở ngại cho thị trường bất động sản vùng ven TP.HCM trong năm tới. |
Các nhà đầu tư thứ cấp trên thị trường Đồng Nai cũng đang rơi vào tình trạng gặp khó khi mà giá cả đã đẩy cao tới gấp đôi so với 1 năm trước, khiến dư địa kiếm lời cũng bị thu hẹp.
Giá mỗi m2 đất nền trên địa bàn huyện Long Thành tại thời điểm giữa năm 2018 trung bình trong khoảng 9-13 triệu đồng, đến cuối năm đã vọt lên thành và hiện đang neo ở mức hơn 24 triệu đồng. Biên độ tăng giá này đều diễn ra tại các dự án đã cũ, năm 2019 không hề có thêm bất kỳ dự án mới nào được tung ra.
Điều đáng bàn ở đây là đa phần sản phẩm đất nền tại các dự án này đều được mua bởi các nhà đầu tư, rất ít người mua thực, do đó đất bị để trống nhiều, không có nhà cửa mà chỉ có cỏ dại đua nhau mọc lên.
Một nhà đầu tư đất nền thứ cấp tên Bùi Tâm Đức cho hay, tháng 3/2019 ông đã đầu tư vào 6 nền đất thuộc 4 dự án nằm quanh sân bay Long Thành với giá 19,5 triệu đồng/m2 từ các nhà đầu tư khác. Hơn 9 tháng trôi qua, ông chào bán những lô đất này với giá 22,6 triệu đồng/m2 nhưng không có người mua, đa phần khách hỏi đều trả ở mức 20 triệu đồng/m2 nên ông vẫn phải giữ hàng.
Nhà đầu tư thứ cấp này nói: “Người mua các dự án này đều là nhà đầu tư, gần như không có người mua để ở, nên việc thoát hàng hiện nay rất khó.”
Với thị trường Bình Dương, không khí sôi động chủ yếu tập trung tại TX. Dĩ An, nơi nằm ngay TP.HCM, các khu vực còn lại hầu như không có diễn biến tích cực.
Tình hình khó khăn cũng diễn ra đối với các quận, huyện vùng ven Sài Gòn. Dù rổ hàng hóa khan hiếm nhưng các nhà đầu tư thứ cấp cũng rất khó thoát hàng với giá tốt.
Nhà đầu tư thứ cấp kiêm môi giới trên địa bàn huyện Hóc Môn có tên Nguyễn Thị Hằng cho hay, thanh khoản của thị trường rất kém, có những sản phẩm ký gửi cả 4 tháng nay vẫn không thể bán được.
Còn nhiều khó khăn phía trước
Theo nhìn nhận của bà Nguyễn Hương - Tổng giám đốc Công ty CP Bất động sản Đại Phúc Land, thị trường các tỉnh lân cận TP.HCM đang dần đi xuống và bão hòa, do đó các nhà đầu tư thứ cấp rất khó để thu được lợi nhuận.
Bà Hương cho rằng, vào thời điểm phát triển nóng của thị trường, chủ đầu tư chỉ nghĩ làm sao để bán được hết hàng và thu lợi nhuận mà không quan tâm đến đối tượng khách mua là để đầu tư hay ở thực. Trong khi đó, người mua với mục đích đầu tư lại chiếm tới 99%. Những người này sau khi mua đã bán lại với giá cao hơn, khiến giá càng ngày càng đội lên và người mua sau sẽ bị mắc kẹt là điều đương nhiên.
Nữ CEO nói: “Thị trường muốn tăng trưởng bền vững phải có khách hàng mua ở thực, nếu chỉ toàn nhà đầu tư, thì sẽ chỉ tăng trưởng nóng thời gian rất ngắn, sau đó sẽ đóng băng.”
Ông Lê Tiến Vũ - Phó Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Địa ốc Cát Tường cũng đánh giá, thị trường bất động sản các tỉnh vùng ven Sài Gòn hiện đang gặp khó. Lượng hàng tiêu thụ tại 3 dự án mới mở bán trên địa bàn tỉnh Long An đều rất thấp. Cụ thể, một dự án tại TP. Tân An mở bán 100 căn nhà phố vào ngày 23/11 vừa qua, nhưng chỉ có duy nhất 1 căn được giao dịch thành công.
Bà Nguyễn Hương cho rằng tình trạng khó khăn vẫn còn tiếp diễn trong năm tiếp theo bởi nhiều nguyên nhân như:
Các chủ đầu tư cũng như nhà đầu tư sẽ quay lại thị trường bất động sản TP.HCM do nơi đây đang có những dầu hiệu phục hồi.
Sự xuất hiện các dự án ma tràn lan cộng với mức lợi nhuận tại các dự án khu vực vùng ven thấp khiến niềm tin của nhà đầu tư vào thị trường bị giảm mạnh.
Hạ tầng các tỉnh vùng ven kết nối với Sài Gòn vẫn chưa được đẩy mạnh cũng là một trong những tác nhân gây cản trở cho sự phát triển của thị trường địa ốc nơi đây.