Vì cho rằng bảng giá đất tại đô thị đang chênh tới 50% so với giá trị thực tế nên mới đây Hiệp hội Bất động sản TP.HCM đã gửi đề xuất một số kiến nghị về việc sửa đổi, bổ sung khung giá đất (mới) giai đoạn 2019-2024 lên UBND TP.HCM.
Theo Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), cần cân nhắc về việc nâng mức trần giá đất lên vì các khung giá đất hiện nay chưa đảm bảo được nguyên tắc định giá đất phải phù hợp với giá đất phổ biến trên thị trường. Nội dung kiến nghị chủ yếu đề cập đến 3 mức điều chỉnh khung giá đất tại TP.HCM với điểm chung là giữ nguyên khung giá tối thiểu và tăng mức giá trần ở nhiều biên độ khác nhau.
1. Tăng gấp 2 lần so với mức giá tối đa
Với hướng này sẽ vẫn giữ nguyên giá đất tối thiểu ở mức 1,5 triệu đồng/m2 và tối đa là 330 triệu đồng. Riêng với loại đất có chức năng thương mại, dịch vụ thì giá tối đa 260 triệu đồng; còn đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp không phải là đất thương mại, dịch vụ sẽ có giá tối đa là 200 triệu đồng.
Theo đó, có thể giá đất tối đa trong Bảng giá đất sẽ là 429 triệu đồng/m2; đất thương mại, dịch vụ là 338 triệu đồng; đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp là 260 triệu đồng.
Khi hệ số điều chỉnh giá đất hàng năm được áp dụng thì giá đất ở tương ứng để thực hiện nghĩa vụ tài chính cũng có sự biến động. Ví dụ: trong năm 2019, hệ số khu vực 1 là 2,5 lần thì giá đất ở tương ứng để thực hiện nghĩa vụ tài chính tối đa sẽ là 1,072 tỷ đồng/m2; đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp và đất thương mại, dịch vụ lần lượt là 650-845 triệu đồng.
|
HoREA đề xuất tăng gấp đôi trần khung giá đất tại TP.HCM. Ảnh: Hữu Khoa |
2. Tăng gấp 1,5 mức giá trần
Theo hướng điều chỉnh này, khung giá đất ở tối đa sẽ là 246 triệu đồng/m2; khung giá đất thương mại, dịch vụ là 195 triệu đồng; đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp không phải là đất thương mại, dịch vụ là 148 triệu đồng.
Lúc này, giá đất tối đa trong bảng giá đất có thể là 319,8 triệu đồng/m2; đất thương mại, dịch vụ là 253,5 triệu đồng; đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp là 192,4 triệu đồng.
Nếu hệ số điều chỉnh giá đất hàng năm được áp dụng thì giá đất ở để thực hiện nghĩa vụ tài chính cũng có sự thay đổi. Ví dụ: trong năm 2019, hệ số khu vực 1 là 2,5 lần thì giá đất ở để thực hiện nghĩa vụ tài chính tối đa là 799,5 triệu đồng/m2 và là từ 480-633,7 triệu đồng đối với đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp và đất thương mại, dịch vụ.
3. Tăng 1/3 mức giá trần
Với hướng điều chỉnh này, khung giá đất ở tối đa sẽ là 215,4 triệu đồng/m2; khung giá đất thương mại, dịch vụ là 172,3 triệu đồng và là 129,2 triệu đồng đối với loại đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp không phải là đất thương mại, dịch vụ.
Lúc này, giá đất tối đa trong bảng giá đất có thể tăng lên thành 280 triệu đồng/m2 và trong khoảng 167,9 - 223,9 triệu đồng đối với đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp và đất thương mại, dịch vụ.
Nếu hệ số điều chỉnh giá đất hàng năm được áp dụng thì giá đất ở tương ứng để thực hiện nghĩa vụ tài chính cũng sẽ thay đổi. Cụ thể: hệ số của khu vực 1 trong năm 2019 là 2,5 lần thì mức giá đất ở tương ứng để thực hiện nghĩa vụ tài chính tối đa là 700 triệu đồng/m2 và là 419,7 - 559,7 triệu đồng đối với đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp và đất thương mại, dịch vụ.
Theo HoREA, cần phải đưa ra ý kiến phản biện và các kiến nghị cụ thể trong bối cảnh Luật Đất đai 2013 chưa sửa đổi, còn khung giá đất hiện hành sắp hết hiệu lực để tham vấn Chính phủ cân nhắc về việc ban hành khung giá đất (mới) áp dụng cho giai đoạn 5 năm tiếp theo.
Trong 3 phương án nêu trên, theo HoREA phương án tăng 1/3 mức giá trần bảng giá đất là phù hợp nhất với tình hình thị trường TP.HCM hiện nay. Bởi, nếu áp dụng các phương án tăng 1,5-2 mức giá trần bảng giá đất sẽ khiến khung giá đất vọt lên mức quá cao so với điều kiện bình thường, sẽ tạo tác động ngược, gây thêm bất ổn cho thị trường địa ốc vốn đang tồn đọng rất nhiều vấn đề cần giải quyết.