Theo Báo cáo tình hình kinh tế - văn hóa - xã hội và quốc phòng - an ninh, tháng 7 và 7 tháng đầu năm 2018 của Sở Kế hoạch & Đầu tư Tp.HCM, nguồn vốn ngoại đổ vào bất động sản chiếm tới 47,6% tổng vốn FDI của toàn TP.
Có tất cả 553 dự án đầu tư nước ngoài được cấp mới Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, đạt tổng vốn là 508,25 triệu USD, tăng 26% theo năm về số dự án được cấp mới và bằng 68% vốn đầu tư. Trong đó, chiếm tỷ trọng vốn lớn nhất thuộc về các nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc, chiếm 30% tổng vốn; đứng thứ 2 là các nhà đầu tư Singapore với việc chiếm 22%; NaUy đứng ở vị trí thứ 3 trong danh sách với việc chiếm 13,8%; với việc chiếm 10,4% tổng nguồn vốn đầu tư, Nhật Bản đứng ở vị trí thứ 4; vị trí tiếp theo thuộc về các nhà đầu tư Hồng Kông với 6,7%, theo số liệu của báo cáo.
Bất động sản dẫn đầu các lĩnh vực thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài tại Tp.HCM.
Có tất cả 148 dự án trên địa bàn Tp.HCM được chấp thuận phương án điều chỉnh tăng vốn với tổng vốn đầu tư là 453,38 triệu USD, tăng 27,6% về số dự án, tăng 13,3% về vốn so với cùng kỳ. Cùng với đó, cũng có 1.628 trường hợp nhà đầu tư nước ngoài được TP chấp thuận cho phép góp vốn, mua cổ phần, mua lại phần vốn góp của các doanh nghiệp nội, với tổng số vốn tương đương 3,73 tỷ USD, tăng 31,4% về số trường hợp và tăng gấp 2,3 lần về vốn đầu tư so với cùng kỳ.
Số vốn đầu tư nước ngoài đổ nhiều nhất vào hoạt động kinh doanh bất động sản, chiếm tới 47,6% tổng vốn FDI của thành phố; đứng ở vị trí thứ 2 là hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ với tỷ lệ 19,5%; vị trí thứ 3 thuộc về lĩnh vực bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác với 8,1%; tiếp đến là lĩnh vực Công nghiệp chế biến, chế tạo với 7,7%; Dịch vụ lưu trú và ăn uống chiếm 4,2%.
Tổng vốn FDI đổ vào Tp.HCM (tính chung cả vốn thu hút được dưới hình thức cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và vốn thu hút được qua hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp trong các doanh nghiệp trong nước) là 4,69 tỷ USD, tăng 70,5% theo năm.