Hỏi: Chúng có dự định mua lại mảnh đất nông nghiệp nằm trong tỉnh mà gia đình tôi đang sống nhưng không cùng địa phương với mục đích để ở. Gia đình tôi có được làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở khi mua miếng đất đó không?
Thay mặt bố mình, tôi đãlên văn phòng địa chính của huyện, nơi gia đình đang sống và được cán bộ tư vấn, lên Sở LĐTBXH để xin giấy phép nếu muốn được miễn giảm và chỉ được miễn giảm 1 lần. Bố tôi nằm trong đối tượng chính sách, nếu ông đứng tên thì có được giảm tiền sử dụng đất hay không?
Bố tôi đã được xã cấp miếng đất vào năm 1991 và không phải nộp TSDĐ. Đến năm 2009, gia đình tôi được cấp sổ đỏ đứng tên bố tôi. Vậy bố tôi có còn được giảm tiền sử dụng đất trong trường hợp muốn mua thêm đất nữa không? Gia đình tôi hiện đang chuẩn bị hoàn thành hồ sơ để lên Sở LĐTBXH xin giấy phép miễn giảm TSDĐ. Nếu Sở LĐTBXH cấp phép được hưởng chế độ thì sẽ được miễn giảm đúng không?
Bạn đọc ở Bắc Giang
|
Ảnh minh họa, nguồn: internet. |
Trả lời:
Tại Khoản 1 Điều 11 và Khoản 2 Điều 12 của Nghị định 45/2014/NĐ-CP có quy định cụ thể về việc miễn, giảm tiền sử dụng đất như sau:
Tại Điều 11: Thực hiện việc miễn tiền sử dụng đất đối với các trường hợp:
Đối tượng là người có công với cách mạng sẽ thuộc đối tượng được miễn tiền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về người có công, được miễn tiền sử dụng đất trong hạn mức giao đất ở khi sử dụng đất để thực hiện chính sách nhà ở, đất ở; đối tượng là hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng biên giới, hải đảo; sử dụng đất để xây dựng nhà ở xã hội theo đúng quy định của pháp luật về nhà ở; nhà ở dành cho đối tượng là người phải di dời do thiên tai.
Việc xác định hộ nghèo, hộ gia đình hoặc cá nhân là đồng bào dân tộc thiểu số được thực hiện theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Tại Điều 12: Thực hiện giảm tiền sử dụng đất
Giảm tiền sử dụng đất đối với đất ở trong hạn mức giao đất ở (bao gồm giao đất, chuyển mục đích sử dụng đất, cấp Giấy chứng nhận cho người đang sử dụng đất) đối với người có công với cách mạng mà thuộc diện được giảm tiền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về người có công.
Tại Khoản 1 Điều 10 Nghị định 45/2014/NĐ-CP đã quy định rõ về nguyên tắc miễn, giảm tiền sử dụng đất: “Hộ gia đình, cá nhân thuộc đối tượng được miễn hoặc giảm tiền sử dụng đất thì chỉ được miễn hoặc giảm một lần trong trường hợp: Được Nhà nước giao đất để làm nhà ở hoặc được phép chuyển mục đích sử dụng đất từ đất khác sang làm đất ở hoặc được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở.”
Thông tư 76/2014 tại Điều 13: Thực hiện miễn tiền sử dụng đất
Việc miễn tiền sử dụng đất đã được quy định tại Điều 11 của Nghị định số 45/2014/NĐ-CP. Cụ thể: Miễn tiền sử dụng đất trong hạn mức giao đất ở trong trường hợp được Nhà nước giao đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, công nhận quyền sử dụng đất cho người có công với Cách mạng được thực hiện theo quy định của pháp luật về người có công. Việc miễn tiền sử dụng đất đối với người có công với Cách mạng chỉ được thực hiện khi có quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc cho phép miễn tiền sử dụng đất theo pháp luật về người có công.
Như vậy, chỉ được thực hiện miễn giảm tiền sử dụng đất 1 lần đối với các đối tượng được miễn giảm. Trường hợp của bố bạn sẽ không thuộc đối tượng được miễn giảm nữa vì đã được miễn giảm 1 lần.
Bên cạnh đó, bạn phải thực hiện thêm các nghĩa vụ tài chính như sau:
1. Thuế thu nhập cá nhân
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều tại các Luật về Thuế năm 2014 đã quy định về mức thuế suất áp dụng đối với thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản là 2%, bắt đầu từ năm 2015, luật này sẽ có hiệu lực.
2. Đóng lệ phí trước bạ (Thông tư số 34/2013/TT-BTC sửa đổi, bổ sung Thông tư 124/2011/TT-BTC) là 0,5% giá tính trước bạ theo quy định của UBND cấp tỉnh.
3. Lệ phí công chứng (Thông tư liên tịch số 08/2012/TTLT-BTC-BTP)
Mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí công chứng mức phí phải nộp tính trên giá trị quyền sử dụng đất theo ngạch giá.
4. Phí, lệ phí hành chính nhà nước khác
Các quy định về thuế thu nhập cá nhân, lệ phí trước bạ, lệ phí công chứng không có quy định về việc miễn, giảm đối với các đối tượng chính sách.
Luật sư Phạm Thị Bích Hảo
Công ty Luật TNHH Đức An, Thanh Xuân, Hà Nội.