Giải quyết tranh chấp đất đai đã có giấy chứng nhận quyền sử dụng

  20/04/2018 - 05:31

Năm 1999, gia đình tôi mua một mảnh đất 650m2, được cấp sổ đỏ năm 2001. Trên sổ đỏ chỉ ghi diện tích 650m2, loại đất trồng cây lâu năm mà không có sơ đồ vị trí đất. Gia đình tôi vẫn giữ giấy tờ viết tay, đúng với chiều dài 60m, ngang 13m.

Vì xác định mua để đầu tư nên chúng tôi không cắm rào cọc. Đến nay, chúng tôi muốn bán đất, liên hệ với địa chính để đo đạc thì xảy ra vấn đề như sau:

Chủ lô đất đó đã mất, con trai họ nói chỉ bán cho tôi 10m và đã xây bếp trên phần đất của tôi. Họ cũng không đồng ý để đo đạc đất. Mặt trước miếng đất giáp mặt tiền đường, sau lưng giáp nhà của người khác (người này không có ý kiến), bên trái giáp chủ nhà cũ, bên phải giáp đất của một người thuộc địa phương khác (đất của người kia ở xã Đồng Khởi, Châu Thành; đất tôi ở xã Bình Minh của TP. Tây Ninh).

Hiện tại, hàng xóm bên phải và chủ nhà cũ bên trái không chịu cho địa chính đo đạc. Gia đình tôi đã liên hệ địa chính xã, địa chính xã Đồng Khởi huyện Châu Thành (nơi có tranh chấp với bà hàng xóm) và phòng tài nguyên TP. Tây Ninh (nơi ra quyết định cấp đất) để nhờ họ phối hợp đo đạc nhưng họ nói không đủ thẩm quyền vì liên quan đến địa giới hành chính 2 huyện. Họ khuyên gia đình tôi làm đơn ra tòa án.

Vậy gia đình tôi phải làm thế nào? Mong luật sư tư vấn giúp.

cuonglv9@...

Trả lời:

Khoản 1 Điều 203 Luật Đất đai năm 2013 quy định: “Tranh chấp đất đai mà đương sự có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của luật này và tranh chấp về tài sản gắn liền với đất thì do Tòa án nhân dân giải quyết".

tranh chấp đất đai
Tranh chấp đất đai mà đương sự có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất
và tranh chấp về tài sản gắn liền với đất thì do Tòa án nhân dân giải quyết

Vấn đề tranh chấp đất đai thường khá phức tạp và nhà nước thường khuyến khích các bên tự hòa giải. Điều 202 Luật Đất đai 2013 quy định:

"Điều 202. Hòa giải tranh chấp đất đai

1. Nhà nước khuyến khích các bên tranh chấp đất đai tự hòa giải hoặc giải quyết tranh chấp đất đai thông qua hòa giải ở cơ sở.

2. Tranh chấp đất đai mà các bên tranh chấp không hòa giải được thì gửi đơn đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất tranh chấp để hòa giải.

3. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm tổ chức việc hòa giải tranh chấp đất đai tại địa phương mình; trong quá trình tổ chức thực hiện phải phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã và các tổ chức thành viên của Mặt trận, các tổ chức xã hội khác. Thủ tục hòa giải tranh chấp đất đai tại Ủy ban nhân cấp xã được thực hiện trong thời hạn không quá 45 ngày, kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai.

4. Việc hòa giải phải được lập thành biên bản có chữ ký của các bên và có xác nhận hòa giải thành hoặc hòa giải không thành của Ủy ban nhân dân cấp xã. Biên bản hòa giải được gửi đến các bên tranh chấp, lưu tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất tranh chấp.

5. Đối với trường hợp hòa giải thành mà có thay đổi hiện trạng về ranh giới, người sử dụng đất thì Ủy ban nhân dân cấp xã gửi biên bản hòa giải đến Phòng Tài nguyên và Môi trường đối với trường hợp tranh chấp đất đai giữa hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư với nhau; gửi đến Sở Tài nguyên và Môi trường đối với các trường hợp khác.

Phòng Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường trình Ủy ban nhân dân cùng cấp quyết định công nhận việc thay đổi ranh giới thửa đất và cấp mới Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất".

Như vậy, nếu hòa giải không thành, đối với tranh chấp đất đai có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, bạn có thể gửi đơn lên Tòa án nhân dân. Khi yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai, bạn nên chuẩn bị chứng cứ chứng minh cho việc bảo vệ quyền sử dụng đất.

Luật sư Phạm Thị  Bích Hảo
Giám đốc Công ty luật TNHH Đức An

(Theo Cafeland)

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu