Phân chia nhà đất được thừa kế chung như thế nào?

  09/02/2017 - 04:28

Hỏi: Gia đình tôi có 8 anh chị em, trong đó một người đã định cư nước ngoài. Cha mẹ tôi làm di chúc thừa kế nhà và 930m2 đất cho 7 người con tại Việt Nam và chỉ định người con thứ 4 đại diện đứng tên quyền sử dụng đất.

Hiện tại, người con thứ 4 đã mất, 6 anh chị em tôi đồng ý cho con gái của người con thứ 4 được đại diện đứng tên quyền sử dụng đất cho 7 người đồng sở hữu. Tuy nhiên, từ khi có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cháu gái tôi không bàn bạc cùng gia đình mà tự ý xây ki ốt cho thuê và cắt đứt mọi liên lạc.

Vậy xin hỏi luật sư, nay các anh chị em tôi muốn chia tài sản chung, tách thửa, tách quyền sử dụng đất riêng cho từng người có được không? Đối với tài sản chung trong căn nhà đó và cả số tiền thu được từ việc cho thuê mặt bằng sẽ được xử lý ra sao?

Chân thành cảm ơn!

Ông Nguyễn Gia Đức (Tp.HCM) 

phân chia nhà đất thừa kế chung
Nhà đất thừa kế chung được phân chia theo di chúc hoặc theo quy định của
pháp luật hiện hành. (Ảnh minh họa, nguồn: Internet).

Trả lời:

Thông tin do ông Đức cung cấp cho biết, gia đình ông gồm 7 người (6 anh chị em và 1 người cháu gái của ông), đều sinh sống ở trong nước, đã xác lập quyền sở hữu chung do nhận thừa kế theo di chúc đối với tài sản là 930m2 đất và nhà ở trên đất đó; được Nhà nước cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản gắn liền với đất đứng tên đồng sở hữu 7 người do người cháu gái làm đại diện.

Theo quy định tại Điều 216 và Khoản 1 Điều 217 Bộ Luật Dân sự năm 2015 (hiệu lực từ ngày 01/01/2017), các chủ sở hữu chung cùng quản lý tài sản chung theo nguyên tắc nhất trí và mỗi chủ sở hữu chung theo phần có quyền khai thác công dụng, hưởng lợi tức, hoa lợi từ tài sản chung tương ứng với phần quyền sở hữu của mình.

Do đó, việc cháu gái của ông Đức không bàn bạc và chưa được các chủ sở hữu chung khác nhất trí mà đã tự ý xây dựng ki ốt cho thuê, rồi một mình hưởng lợi tức của tất cả khối tài sản chung sai quy định của pháp luật hiện hành. Các chủ sở hữu chung khác có quyền yêu cầu người cháu gái chia lợi tức từ tài sản chung tương ứng với phần quyền sở hữu của mình.

Khoản 1 Điều 219 Bộ Luật Dân sự có quy định, nếu sở hữu chung có thể phân chia thì mỗi chủ sở hữu chung đều có quyền yêu cầu chia tài sản chung.

Trường hợp tài sản chung không thể chia được bằng hiện vật, chủ sở hữu chung có yêu cầu chia có quyền bán phần quyền sở hữu của mình, ngoại trừ trường hợp các chủ sở hữu chung có thỏa thuận khác.

Khi cần chia tài sản chung, mỗi chủ sở hữu chung đều có quyền yêu cầu chia tài sản chung. Trong trường hợp các chủ sở hữu chung nhất trí, thỏa thuận việc chia tài sản chung thì có thể lập Văn bản thỏa thuận phân chia tài sản chung tại Tổ chức công chứng nơi có đất.

Tuy nhiên, nếu người cháu gái của ông Đức cố tình chiếm giữ tài sản chung và không chia cho các chủ sở hữu chung khác, khi đó các chủ sở hữu chung khác có quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án nhân dân nơi có đất chia tài sản chung và chia lợi tức từ tài sản chung tương ứng với phần quyền sở hữu của mình.

Lưu ý là, việc chia quyền sử dụng đất liên quan đến việc chia tách thửa đất, phải phù hợp với quy định của pháp luật đất đai về diện tích, kích thước đất ở tối thiểu được phép tách thửa cho cá nhân, hộ gia đình trên địa bàn tỉnh, thành phố nơi có đất.

Nếu không thể chia được bằng hiện vật do khi chia các phần không đủ diện tích, kích thước đất ở tối thiểu được phép tách thửa, lúc này mỗi chủ sở hữu chung có yêu cầu chia có quyền bán phần quyền sở hữu của mình cho chủ sở hữu chung khác để nhận phần bằng tiền.

Theo đó, văn bản thỏa thuận chia tài sản chung tại Tổ chức công chứng hoặc Bản án của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật là cơ sở đăng ký biến động quyền sử dụng đất, sở hữu nhà ở, xin cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền đất cho mỗi cá nhân sau khi chia tài sản chung.

Luật sư Trần Văn Toàn
(VPLS Khánh Hưng, Đoàn luật sư Hà Nội)

(Theo Chinhphu.vn)

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu