Ông Vũ Tùng đang sinh sống tại một chung cư có chức năng hỗn hợp tại Tp.HCM. Cư dân nơi đây đã đóng đầy đủ phí bảo trì 2% cho chủ đầu tư. Ban quản trị trong quá trình bàn giao kinh phí bảo trì đã yêu cầu chủ dự án phải nộp khoản phí này.
Cụ thể, phần diện tích mà chủ đầu tư phải nộp phí bảo trì là diện tích dịch vụ, thương mại, văn phòng, bãi đỗ xe. Bởi lẽ, chủ đầu tư đang sở hữu khu vực thuộc phần khối đế tòa chung cư có liên quan tới phần chung của toàn bộ tòa nhà.
Được biết, chủ đầu tư đang sở hữu 1.000m2 sàn văn phòng cho thuê, 2.000m2 sàn thương mại và 2.000m2 bãi xe. Tại dự án này, căn hộ có giá thấp nhất là 1,5 tỷ đồng/căn 50m2 (đã gồm phí bảo trì và VAT). Mức giá cao nhất là 8 tỷ đồng thuộc về penthouse 100m2 (đã gồm phí bảo trì và VAT).
Theo đó, ông Tùng đề nghị cơ quan chức năng hướng dẫn cách tính phí bảo trì của chủ đầu tư.
|
Mức phí bảo trì mà chủ đầu tư phải đóng được quy định rõ tại Điểm b, Khoản 1, Điều 108, Luật Nhà ở năm 2014. (Ảnh minh họa, nguồn: Internet) |
Trả lời:
Việc đóng kinh phí bảo trì phần sở hữu chung nhà chung cư đã được quy định cụ thể tại Luật Nhà ở năm 2014. Mức phí bảo trì mà chủ đầu tư phải đóng được quy định tại Điểm b, Khoản 1, Điều 108, Luật Nhà ở, cụ thể như sau:
"Đối với căn hộ, phần diện tích khác trong nhà chung cư mà chủ đầu tư giữ lại không bán, không cho thuê mua hoặc chưa bán, chưa cho thuê mua tính đến thời điểm bàn giao đưa nhà chung cư vào sử dụng, trừ phần diện tích thuộc sở hữu chung thì chủ đầu tư phải đóng 2% giá trị căn hộ, phần diện tích giữ lại; phần giá trị này được tính theo giá bán căn hộ cao nhất của nhà chung cư".
Ông Tùng nên nghiên cứu quy định trên, đồng thời liên hệ với Sở Xây dựng Tp.HCM để được hướng dẫn cụ thể hơn.
Bộ Xây dựng