Sở hữu nhà chung cư có thời hạn được các chuyên gia đánh giá có nhiều ưu điểm như: giá thành thấp hơn so với chung cư vô thời hạn, thuận tiện trong việc sửa chữa hoặc xây mới khi thời hạn sở hữu kết thúc.
Theo thống kê, hiện có hơn 1.500 chung cư cũ xuống cấp trên cả nước cần được cải tạo, sửa chữa, xây mới đang gặp phải bế tắc do giữa chính quyền địa phương, chủ đầu tư và người dân không tìm được sự đồng thuận. Bên cạnh đó, thời hạn sở hữu chung cư lâu dài cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự chậm trễ này.
Các chuyên gia cho biết, thời hạn sở hữu của chung cư từ trước đến nay chưa được các cơ quan, đơn vị quản lý tính đến, vậy nên cứ làm dự án và người dân cứ việc vào ở, còn thời hạn bao giờ hết thì không có quy định nào nêu rõ.
Căn hộ chung cư vô thời hạn hiện đang có giá và được người mua nhà lựa chọn nhiều hơn so với chung cư hữu hạn. Chẳng hạn, một số dự án chung cư nằm trên đường Phạm Hùng, được thiết kế đẹp, chất lượng xây dựng tốt, giá vừa phải (25 triệu đồng/m2) nhưng giao dịch rất chậm chỉ vì sở hữu có thời hạn. Trong khi một dự án sở hữu dài hạn, có giá bán lên đến 35-40 triệu đồng/m2 nhưng vẫn đắt hàng, dù nằm ngay vị trí bên cạnh.
Sở hữu nhà chung cư có thời hạn, nên hay không?
Bà Dương Thùy Dung - Giám đốc cấp cao Công ty TNHH CBRE Việt Nam tại một cuộc hội thảo diễn ra ở TP.HCM trước đó đã cho biết, có không ít sản phẩm mới xuất hiện trên thị trường trong suốt thời gian qua nhằm thay thế cho bất động sản (BĐS) có thời gian sở hữu lâu dài. Tuy nhiên, dòng hàng mới này không thực sự hấp dẫn người tiêu dùng vì tâm lý ưa chuộng sản phẩm sở hữu lâu dài hoặc vĩnh viễn vốn đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân Việt Nam.
Cũng xuất phát từ tâm lý trên nên đề xuất thời gian sở hữu nhà chung cư chỉ nên trong khoảng 50-70 năm của Bộ Xây dựng cách đây vài năm đã vấp phải sự phản đối quyết liệt từ phía người dân. Một trong những điều khiến người dân lo lắng nhất khi mua chung cư có thời hạn đó chính là mình sẽ mất nhà, không có nơi ở khi thời gian sử dụng kết thúc dù đó là tài sản tích cóp cả đời mới có được.
Theo GS. Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường, việc sở hữu chung cư có thời hạn cũng đã được cơ quan soạn thảo Luật Nhà ở 2014 đề xuất, điều này sẽ có tác dụng tích cực khi tôn tạo, sửa chữa chung cư..., song không nhận được sự phê duyệt từ phía Quốc hội và đất chung cư vẫn là vô thời hạn. Vậy nên, càng khó hơn nữa khi muốn ra chính sách sở hữu đất ở có thời hạn.
Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của các căn hộ chung cư hữu hạn có điểm khác biệt lớn nhất chính là thời gian sử dụng được ấn định trong vòng 50 hoặc 70 năm chứ không phải “lâu dài”. Đồng thời, chung cư sở hữu có thời hạn thường có giá thấp hơn so với chung cư sở hữu vô thời hạn.
Các chuyên gia cho rằng, việc quy định thời gian sở hữu có thời hạn (50-70 năm) đối với chung cư sẽ giúp giá thành của sản phẩm này rẻ hơn, đồng thời cũng sẽ giúp việc sửa chữa, xây mới các tòa chung cư thuận lợi hơn khi hết thời hạn.
Chia sẻ thêm về vấn đề này, bà Dung cho hay, tới hơn 70/220 quốc gia trên thế giới không phát triển loại hình chung cư vô thời hạn, mà chỉ làm các căn hộ có thời hạn để bán cho người dân.
Cụ thể: các căn hộ ở Philippines chỉ có thời gian sở hữu trong vòng 50 năm; còn thời gian sở hữu tối đa của các căn hộ ở Trung Quốc là 70 năm.
Còn theo phân tích của GS. Đặng Hùng Võ, có một thực tế đang diễn ra trên đất nước ta là việc xử lý các chung cư cũ rất khó khăn chỉ vì sở hữu vô thời hạn. Do đó, việc sở hữu có thời hạn là rất cần thiết và thực sự hữu ích trong vấn đề cải tạo, xây mới chung cư cũ. Theo đó, người dân sẽ di chuyển đến nơi ở khác khi thời hạn sử dụng kết thúc.
Thêm vào đó, giá chung cư có thời hạn cũng rẻ hơn, cơ hội sở hữu nhà ở của người dân cũng cao hơn. Về bản chất, việc phát triển nhà chung cư chỉ nhằm mục đích cho thuê, còn sở hữu vĩnh viễn chỉ có nhà mặt đất.
Chuyên gia Võ nói thêm: “Tuy nhiên, khi thông qua Luật Nhà ở 2014, nhiều người phản đối quy định chung cư có thời hạn, nên vấn đề giải quyết như thế nào khi chung cư hết hạn sẽ rất nan giải”.