Căn hộ vừa túi tiền khó xuất hiện trong thời gian dài do hai nguyên nhân chính là thủ tục pháp lý kéo dài và quỹ đất còn khan hiếm.
Tổng giám đốc Phú Đông Group, ông Ngô Quang Phúc cho biết, hiện rất khó để triển khai các dự án căn hộ giá rẻ mới do quỹ đất dành cho dòng sản phẩm này không còn nhiều.
Trên tình hình thực tế, chủ đầu tư không dễ tạo quỹ đất có giá phù hợp cho các dự án căn hộ giá rẻ. Ngay cả khi đã có đất, việc hoàn thành thủ tục pháp lý của doanh nghiệp cũng phải mất vài năm. Khi đó, giá thành, chi phí đã thay đổi nhanh chóng. Bởi vậy, có thể đề xuất giải pháp cơ quan nhà nước đứng ra đền bù, GPMB để tạo quỹ đất sạch cho doanh nghiệp đấu thầu, phát triển phân khúc căn hộ phục vụ phần lớn người dân.
Ông Phúc nhìn nhận: "Với tình hình hiện tại, tôi dự đoán sẽ mất 5-10 năm nữa, khi các chính sách tài chính - đất đai của cơ quan quản lý tạo điều kiện hơn, thì căn hộ giá rẻ mới chứng kiến sự phục hồi như giai đoạn trước 2018".
Tp.HCM ngày càng khan hiếm các căn hộ giá rẻ. Ảnh: Hao Bui
DKRA Việt Nam mới đây cũng đã công bố báo cáo cho thấy tình hình tương tự khi căn hộ hạng C (nhà ở bình dân, nhà thương mại giá rẻ dưới 1.000 USD/m2) sụt giảm mạnh và bị căn hộ hạng A, B áp đảo. Thậm chí có tháng thị trường không hề có dự án nhà giá rẻ mới nào được chào bán. Cụ thể, từ giữa năm 2017 đến nay, trong thị trường quý I/2017, nguồn cung căn hộ hạng C chiếm 41%, quý I/2018 là 32%, quý II/2018 là 29% thì sang quý III là 0%. Dự báo, tình trạng khan hiếm nguồn cung căn hộ hạng C có thể còn kéo dài.
Bên cạnh sự sụt giảm về nguồn cung, vị trí phân bố căn hộ hạng C cũng đang dịch chuyển xa khu vực trung tâm hơn. Tại thời điểm 2016-2017, khách hàng có thể tìm mua căn hộ hạng C ở quận 8, 9, Thủ Đức. Nhưng hiện nay, các căn hộ bình dân đều tập trung ở những quận, huyện nằm xa ngoại thành như quận 12, Bình Tân, Bình Chánh và huyện Nhà Bè.
Theo khảo sát trên một chuyên trang rao bán nhà đất thuộc FSell, có hơn 2.000 tin đăng bán căn hộ mới tại Tp.HCM trong quý III/2018. Trong đó, 20% là căn hộ hạng A, 60% hạng B và 20% hạng C.
So với các quý trước, các căn hộ có giá từ 1.000 USD trở xuống đã có sự sụt giảm về số lượng. Phần lớn các giao dịch là mua đi bán lại, tập trung ở những vùng ven như Tân Phú, Bình Chánh, Thủ Đức...
Quản lý FSell, ông Hoàng Đình Trung cho biết, thống kê cho thấy có đến hơn 50% người mua muốn tìm các căn hộ có giá trên dưới 1 tỷ đồng. Qua đó có thể thấy, cung cầu trên thị trường căn hộ tại Tp.HCM hiện khá bất cân đối.
"Căn hộ giá rẻ đã hiếm, nhưng khi đã tìm được căn với giá hợp lý, nhiều người mua cũng phải từ bỏ vì dự án ở quá xa khu trung tâm và thiếu hạ tầng kết nối", ông Trung chia sẻ.
Cũng theo nhận định của DKRA, tỷ lệ nguồn cung giữa các phân hạng căn hộ đang có sự bất hợp lý. Căn hộ bình dân, giá rẻ lẽ ra phải có nguồn cung lớn hơn căn hộ trung - cao cấp bởi đây là phân khúc đáp ứng phần lớn nhu cầu của người mua nhà.
Để khắc phục tình trạng lệch pha cung cầu, theo đơn vị này, cần thực hiện các chương trình nhà ở quốc gia mang tính dài hạn. Cùng với đó, cần hoàn thiện hệ thống giao thông và có chiến lược quy hoạch hạ tầng đồng bộ giữa các khu vực để rút ngắn thời gian di chuyển.
Các chủ đầu tư cần điều chỉnh giá thành sản phẩm về mức hợp lý, tăng cường chính sách hỗ trợ khách hàng để đưa căn hộ vừa túi tiền đến tay khách hàng, kết nối cung cầu, đáp ứng nhu cầu ở thật.