Hàng loạt công ty bất động sản giảm chỉ tiêu lợi nhuận

  06/11/2019 - 11:30

Đứng trước bối cảnh khan hàng, dự án đứng hình vì vướng pháp lý, nợ bủa vây..., nhiều công ty bất động sản không chỉ giảm chỉ tiêu lợi nhuận mà còn phải bán cả tài sản để duy trì hoạt động.

Theo thông tin tiết lộ từ lãnh đạo một công ty bất động sản đặt trụ sở trên địa bàn quận Bình Thạnh (TP.HCM), cả 2 dự án nằm trong kế hoạch hoàn tất thủ tục pháp lý để ký kết hợp đồng mua bán đều bị chậm tiến độ suốt 10 tháng qua. Điều này không chỉ khiến doanh nghiệp phải xin lỗi khách hàng để lùi thời gian ra hợp đồng vào giữa năm 2020, mà còn gây nghẽn dòng tiền cục bộ vì không thể thu thêm tiền từ phía người mua nhà.

Ông nói thêm: "Chúng tôi phải đổi kế hoạch kinh doanh năm 2019 từ mức lãi hàng chục tỷ sang mức khiêm tốn hơn, giảm khoảng 65% lợi nhuận, và dòng tiền thu về chủ yếu do bán tài sản khác".

Chủ tịch một doanh nghiệp địa ốc đã niêm yết trên sàn chứng khoán TP.HCM, đặt trụ sở tại quận 3 cũng chia sẻ về những khó khăn mà họ đang gặp phải. Hiện công ty đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt tiền mặt trầm trọng vì không có dự án nào được tung ra thị trường trong suốt 10 tháng đầu năm. Toàn bộ dòng vốn đều bị đóng băng vào các dự án đang triển khai do vướng phải các thủ tục pháp lý.

Dòng tiền để duy trì bộ máy doanh nghiệp chủ yếu là tài sản đi vay của cá nhân lãnh đạo, thậm chí phải bán bớt cổ phần của các công ty thành viên. Vị này nói: "Khó khăn có thể kéo dài nên trong thời gian tới chúng tôi sẽ còn tiếp tục bán cổ phần ở một số công ty thành viên".

Dù rời bỏ thị trường TP.HCM để thực hiện công cuộc đánh bắt xa bờ nhưng các doanh nghiệp vẫn không vẽ lên được kịch bản tươi sáng. Sử dụng nguồn vốn vay ngân hàng để mua một quỹ đất phát triển dự án tại Nha Trang từ năm 2018, nhưng hiện chủ đầu tư là một công ty bất động sản có trụ sở tại quận 1 vẫn chưa thể triển khai dự án vì thủ tục pháp lý kéo dài. Thực tế này đã khiến tổng số tiền trả lãi trong suốt 2 năm qua của doanh nghiệp lên đến con số hàng trăm tỷ.

bất động sản Sài Gòn
Doanh nghiệp bất động sản Sài Gòn đang trong giai đoạn gặp khó. Ảnh: Trần Quỳnh

Không chỉ doanh nghiệp phát triển dự án, mà ngay cả các công ty môi giới bất động sản cũng đang rơi vào tình cảnh hết sức khó khăn. Sự cộng hưởng giữa tình trạng khan hiếm nguồn hàng cùng với tâm lý hoài nghi của người mua sau các vụ lừa đảo đã khiến các đơn vị phân phối nhà đất phải chật vật tìm đường tồn tại.

Thông tin chia sẻ của vị Tổng giám đốc một công ty môi giới bất động sản có quy mô 300 nhân viên cho biết, so với cùng thời điểm năm trước, lượng dự án cũng như sản phẩm doanh nghiệp nhận phân phối giảm tới 80% trong 10 tháng đầu năm. Rổ hàng mà doanh nghiệp đang nhận phân phối chỉ bằng 10% của giai đoạn 2017-2018.

Theo ông Nguyễn Lộc Hạnh - Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư Bất động sản Ngọc Châu Á, sự giảm tốc của thị trường ở thời điểm hiện tại như một phép thử đối với các nhà đầu tư lẫn các sàn phân phối và ảnh hưởng đến từng môi giới, nhân sự hoạt động trong lĩnh vực này.

Vị CEO cho biết thêm, doanh thu, lợi nhuận của ngành địa ốc có thể giảm 50%, thậm chí là 65-70 %, do đó các doanh nghiệp buộc phải linh hoạt trong các kế hoạch tiếp cận thị trường thì mới mong sống khỏe trong giai đoạn khó khăn này.

Sau 3 năm phát triển cực thịnh, bất động sản hiện đang xuất hiện những nốt trầm và có thể kịch bản trầm lắng vẫn sẽ tiếp tục kéo dài. Trong bối cảnh pháp lý kéo dài, bế tắc trong vấn về tài chính, lãi vay độn lên, bộ máy công ty cồng kềnh nếu công ty không có doanh thu chắc chắn sẽ rất khó trụ lại với thị trường trong cơn sóng gió này.

Sự giảm tốc của thị trường theo ông Hạnh sẽ giúp sàng lọc các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực địa ốc. Do đó, những công ty hoạt động kém hiệu quả trong thời gian dài sẽ rất dễ đối mặt với kịch tạm dừng hoạt động, thậm chí là phá sản.

Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) trong các kiến nghị tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản gần đây đã đánh giá, nguồn cung thị trường, nhất là tại phân khúc nhà ở trên địa bàn ghi nhận mức giảm kỷ lục trong giai đoạn 2018-2019. Vướng mắc trong các thủ tục đầu tư cùng lệch dừng triển khai đã khiến nhiều dự án nhà ở bị "đứng hình". Tình trạng này sẽ còn tiếp tục kéo dài nếu cơ quan chức năng không nhanh chóng đưa ra các biện pháp xử lý hiệu quả.

Đà sụt giảm của thị trường sẽ dẫn đến hệ quả là đẩy các doanh nghiệp địa ốc vào hoàn cảnh khó khăn, thậm chí là phá sản. Về phía người mua nhà, sẽ khó tiếp cận hơn do giá bất động sản ngày càng tăng vọt và neo ở mức vô cùng đắt đỏ, HoREA dự báo.

(Theo vnexpress)

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu