Lượng đất nền và nhà phố bán được tăng đột biến trong năm 2018. Thậm chí, có đơn vị ghi nhận lượng giao dịch tăng gấp đôi so với giai đoạn 2016 - 2017.
Kết quả khảo sát của VnExpress cho thấy, trong năm vừa qua, các công ty buôn bất động sản liền thổ đã gặt hái được nhiều thành quả cả về giá trị sản phẩm giao dịch được lẫn lượng hàng bán ra.
Mới đây, Công ty Kim Oanh Real - doanh nghiệp chuyên phân phối đất nền và nhà liền thổ đã công bố doanh số bán hàng năm 2018 với mức tăng trưởng ấn tượng. Mỗi năm, bình quân mức tăng trưởng doanh thu của công ty đạt khoảng 40% và tăng tốc rất mạnh trong năm qua.
Giai đoạn 2016 - 2017, trung bình mỗi năm số sản phẩm doanh nghiệp bán ra từ 5.000 - 6.000 sản phẩm. Con số này tăng vọt lên gấp đôi trong năm 2018 với 10.000 sản phẩm. Rổ hàng của Kim Oanh năm qua chủ yếu là bất động sản liền thổ tọa lạc tại các tỉnh giáp ranh Tp.HCM, nhiều nhất là ở Đồng Nai và Bình Dương.
Với 550 ha đất sạch trong tay, doanh nghiệp này kế hoạch đa dạng hóa sản phẩm trong năm 2019. Ngoài các phân khúc chủ lực như đất nền, nhà xây sẵn, Kim Oanh sẽ gia nhập thị trường căn hộ và cung cấp các loại dịch vụ, thương mại, du lịch, khách sạn.
Công ty CP Bất động sản Danh Khôi (DKR) cũng vừa công bố kết quả kinh doanh. Cụ thể, doanh nghiệp đã bán ra 1.000 sản phẩm trong năm 2018 gồm 300 nền đất, 400 kiot thương mại và 300 nhà phố. Như vậy, chiếm 70% tỷ trọng rổ hàng hóa là bất động sản liền thổ. Trong năm nay, DKR sẽ đẩy mạnh thị phần bất động sản liền thổ tại Sài Gòn cùng một số tỉnh giáp ranh như Vũng Tàu, Long An.
|
Các doanh nghiệp buôn bất động sản liền thổ thắng đậm trong năm 2018. Trong ảnh: Một dự án đất nền và nhà phố tỉnh giáp ranh Tp.HCM (Ảnh: Vũ Lê ) |
Số liệu thống kê sơ bộ trong hệ thống giao dịch của Công ty DKRA Việt Nam cho hay, năm 2018 doanh nghiệp đã bán thành công khoảng 4.000 sản phẩm. Đáng chú ý, trong đó bất động sản liền thổ chiếm tới 60%. Lãnh đạo doanh nghiệp xác nhận, Nhơn Trạch và Long An là hai địa bàn tập trung hầu hết nhà phố, đất nền bán được. Còn tại Tp.HCM, tỷ trọng bất động sản liền thổ thấp hơn.
Công ty Cát tường trong năm qua cũng bán được 4.000 sản phẩm bất động sản liền thổ gồm nhà phố và đất nền tập trung chủ yếu tại các tỉnh giáp ranh Sài Gòn. So với năm 2017, sản lượng bán hàng của Cát Tường năm 2018 là tương tương. Tuy nhiên, do sốt đất đẩy giá bất động sản liền thổ tăng đột biến nên tổng giá trị hàng hóa của doanh nghiệp tăng 25 - 30%.
Không ít dự án dù tung hàng khá trễ song vẫn được giới đầu tư săn đón. Chẳng hạn, tọa lạc trên đường tỉnh lộ 830, mặt tiền đường Vành đai 4 (Bến Lức, Long An) giáp ranh Tp.HCM qua huyện Bình Chánh, một dự án của chủ đầu tư có trụ sở tại Sài Gòn vẫn cháy hàng dù ra mắt hồi cuối tháng 11/2018. Minh chứng là, trong tháng cuối cùng của năm, hàng nghìn khách hàng quan tâm tới dự án này và có trên 700 nền giữ chỗ thành công.
Các chuyên gia nhận định, trong năm 2018, nguồn cung bất động sản liền thổ có xu hướng dịch chuyển về các tỉnh giáp ranh Tp.HCM với thanh khoản cao. Dự báo, kịch bản này sẽ tiếp tục diễn ra trong năm 2019 khi TP hạn chế cấp phép các dự án mới và quỹ đất nội đô ngày càng hạn hẹp.
Theo ông Trần Hiền Phương, Tổng giám đốc Công ty Bất động sản Sea Holdings, thị trường bất động sản liền thổ vùng ven sẽ chịu tác động tất yếu "nước chảy về chỗ trũng" khi Tp.HCM hạn chế cấp phép dự án mới.
Ông Phương phân tích, sự phân bổ sản phẩm sẽ có xu hướng dịch chuyển dần về vùng ven trong bối cảnh nguồn cung nhà ở khan hiếm và giá cả tăng cao. Các tỉnh giáp ranh Sài Gòn như Bình Dương, Vũng Tàu, Đồng Nai, Long An sẽ là điểm rơi của xu hướng này. Bởi lẽ, đây là những địa bàn nằm ngoài chính sách hạn chế phát triển dự án mới và giá nhà, đất còn khá mềm so với Tp.HCM.