Mua nhà, cần chuẩn bị những giấy tờ gì?

  30/07/2018 - 11:13

Hỏi: Nhằm giúp cậu con trai ổn định cuộc sống, vợ chồng tôi muốn tìm mua cho cháu một ngôi nhà ở Hà Nội. Sau một thời gian tìm kiếm, cháu có thông báo đã tìm được căn nhà cách cơ quan hơn 10km và thuộc khu vực ngoại thành.

Nhưng điều vợ chồng tôi băn khoăn là giấy tờ mà người bán đưa cho chúng tôi xem có rất nhiều loại, mà chúng tôi lại không biết cách phân biệt thật, giả. Thêm vào đó là các thủ tục mua bán nhà cửa, vợ chồng tôi cũng không nắm rõ thế nào để thực hiện cho đúng quy định của pháp luật.

Vậy tôi cần chuẩn bị những loại giấy tờ gì để công chứng khi thực hiện ký kết hợp đồng mua nhà cho an toàn?

Nguyễn Văn Phan (Thái Nguyên)

Luật sự tư vấn:

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 188 Luật Đất đai năm 2013:

"1. Người sử dụng đất được thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp quyền sử dụng đất; góp vốn bằng quyền sử dụng đất khi có các điều kiện sau đây:

a) Có Giấy chứng nhận, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 186 và trường hợp nhận thừa kế quy định tại khoản 1 Điều 168 của Luật này;

b) Đất không có tranh chấp;

c) Quyền sử dụng đất không bị kê biên để bảo đảm thi hành án;

d) Trong thời hạn sử dụng đất".

Theo đó, những giao dịch mua bán nhà ở không đảm bảo quy định của pháp luật là những giao dịch được thực hiện khi tài sản chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu. Trong trường hợp này, nếu xảy ra tranh chấp thì giao dịch chuyển nhượng có thể bị vô hiệu, khiến quyền lợi của một hoặc các bên bị thiệt hại nặng nề.

 mua nhà đất
Nên chọn mua nhà đất đã có Giấy chứng nhận để đảm bảo an toàn cho suất đầu tư. Ảnh minh họa

Do đó, người mua cần chọn những ngôi nhà đã có đầy đủ Giấy chứng nhận quyền sở hữu, không vướng tranh chấp, không vướng quy hoạch, để đảm bảo an toàn khi thực hiện giao dịch. Những thông tin này hoàn toàn có thể tìm hiểu được rõ ràng khi liên hệ với cán bộ tư pháp, cán bộ địa chính tại UBND xã, phường, thị trấn nơi có nhà đất.

Về hợp đồng chuyển nhượng nhà đất, cần phải được lập bằng văn bản và có công chứng rõ ràng từ phía cơ quan có thẩm quyền, quy định tại Bộ luật Dân sự và Luật Công chứng.

Hợp đồng chuyển nhượng cần phải được công chứng tại một trong các phòng công chứng/văn phòng công chứng trên địa bàn tỉnh nơi có đất. Sau đó, phải thực hiện kê khai, đăng ký biến động quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản gắn liền với đất (bên mua hoặc bên bán đều có thể thực hiện được khâu này). Hồ sơ kê khai gồm có:

1. Tờ khai đăng ký biến động, tờ khai nộp lệ phí trước bạ, tờ khai nộp thuế thu nhập cá nhân (nếu thuộc diện phải nộp).

2. Bản vẽ mô tả vị trí nhà đất chuyển nhượng từ nhà đất ra đến trục đường chính.

3. Hai hợp đồng công chứng và bản sao có công chứng hoặc chứng thực các giấy tờ sau:

- Hộ khẩu, CMND (thẻ căn cước, hộ chiếu)

- Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn của bên mua, bên bán

- Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản khác gắn liền với đất.

- Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân (đối với trường hợp đã ly hôn nhưng hiện tại chưa kết hôn với ai, vợ hoặc chồng đã chết nhưng chưa kết hôn với ai, người độc thân).

Đối với mỗi bản sao nêu trên, cần chuẩn bị 2 bản.

Để giảm thời gian đi lại cho quá trình thực hiện thủ tục mua bán, đương sự có thể công chứng bản sao đồng thời khi ký hợp đồng công chứng.

Luật sư Vũ Tiến Vinh
Giám đốc Công ty Luật Bảo An

(Theo Vnexpress)

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu